Thời điểm những ngày cuối tháng 2 dương lịch cũng là lúc người nuôi thủy sản khu vực phía Bắc gấp rút hoàn thiện công tác chuẩn bị cho một vụ nuôi mới thắng lợi. Đây cũng là lúc Khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho các em sinh viên năm thứ 3 đến thực tập giáo trình tại các cơ sở thực nghiệm như một phần trong chương trình đào tạo của ngành Thủy sản. Song hành với các nội dung lý thuyết, thực tập giáo trình là một nội dung trọng tâm trong chương trình học tập của các em sinh viên. Thông qua hoạt động thực tiễn của môn học này, các em được tiếp cận các hoạt động sản xuất thực tiễn và đã có những ngày trải nghiệm đáng nhớ về nghề nghiệp tương lai.
Về phía cơ sở thực tập, trại cá Thái Bình của công ty GREENFEED Hà Nam là một trong những đơn vị hàng đầu về sản xuất giống và nuôi thủy sản nước ngọt tại khu vực phía Bắc. Cơ sở được đặt tại một ốc đảo biệt lập có diện tích hơn 16ha thuộc lưu vực sông Hồng với nguồn nước ngọt chủ động là điều kiện vô cùng thuận lợi cho sản xuất thủy sản nước ngọt. Tại đây, cơ sở hạ tầng luôn luôn được làm mới và không ngừng hoàn thiện để đưa đến thị trường sản phẩm tốt nhất, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành. Đội ngũ cán bộ của đơn vị có chất lượng chuyên môn cao và được đào tạo bài bản, trong đó có cử nhân Trần Quang Khải và Đoàn Văn Dũng – cựu sinh viên ngành Nuôi trồng Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Giữa công ty và Khoa Thủy sản – HVNNVN đã ký kết và triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu phát triển Nuôi trồng Thủy sản.
Nhóm thực tập giáo trình nước ngọt dưới sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Thị Dung gồm 10 sinh viên được thực tập tại trại cá Thái Bình của công ty GREENFEED Hà Nam. Theo sự phân công, cô Dung hướng dẫn nhóm các nội dung về sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Theo những hoạt động thực tế tại cơ sở, các em sinh viên được tham gia vào các khâu chuẩn bị ao, chuẩn bị giai lưới và cho sinh sản nhân tạo cá nước ngọt.
Đối tượng đầu tiên là cá rô đồng, đây là loài được nuôi tương đối phổ biến ở khu vực phía Bắc, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn trong cho sinh sản nhân tạo do tính chất mùa vụ và thời tiết lạnh của khu vực phía Bắc. Khắc phục vấn đề này bằng các biện pháp kỹ thuật, cơ sở đã tiến hành cho sinh sản nhân tạo rất thành công và cung cấp hàng triệu con giống chất lượng cao ra thị trường.
Hoạt động sinh sản và nuôi thương phẩm cá Rô đồng |
Cá rô phi cũng là một đối tượng chủ lực khác của đơn vị. Thực tập sinh được tham gia vào hoạt động ương giống, nuôi thương phẩm cá rô phi cả trong ao và trong lồng. Là một loài cá có nguồn gốc từ xứ nóng, qua lai tạo, thuần dưỡng con giống chịu lạnh, việc nuôi giữ cá rô phi qua đông đã được thực hiện qua nhiều năm tại cơ sở.
Ngoài ra, nhóm thực tập còn được tiếp cận quy trình nuôi thương phẩm cá lóc và trải nghiệm nhiều hoạt động khác dưới sự hướng dẫn tận tình của giảng viên và cán bộ kỹ thuật cơ sở. Cuối kỳ thực tập, sinh viên phải trải qua kiểm tra về những nội dung kiến thức đã trải nghiệm bao gồm 2 phần: bài trắc luận và kiểm tra vấn đáp. Kết quả thu được rất khả quan, toàn bộ 10 em đã đạt điểm khá giỏi theo đánh giá của giảng viên hướng dẫn và chuyên gia tại cơ sở.
Trải qua thời gian 21 ngày thực tập, nhóm sinh viên đã có những hoạt động vô cùng bổ ích về nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các em cũng dần dần được tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn hóa của doanh nghiệp và giao lưu với nhiều bà con chăn nuôi trên địa bàn. Đây là những hành trang cần thiết cho các em trên con đường học tập và sự nghiệp tương lai.
Một số hình ảnh hoạt động thực tế tại cơ sở |
Khoa Thủy sản – HVNNVN