GIỚI THIỆU CHUNG VỀ KHOA THỦY SẢN

1. Lịch sử phát triển

Khoa Thủy Sản được mới được thành lập từ tháng 3 năm 2015, trên cơ sở tách ra từ Khoa Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũ. Xuất phát từ Tổ môn học Thủy sản (2004), thuộc Bộ môn chăn nuôi chuyên khoa – Khoa Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trước đây, bộ môn Nuôi trồng thủy sản được thành lập. Không lâu sau đó, bộ môn đảm đương đào tạo chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản. Trước nhu cầu phát triển của ngành thủy sản và mở rộng quy mô đạo tạo của nhà trường với chuyên ngành mới là Bệnh học Thủy sản (2011), bộ môn Môi trường và bệnh thủy sản được thành lập năm 2012. Đến năm 2015, khoa Thủy sản được thành lập với nhiệm vụ phát triển quy mô đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành thủy sản Việt Nam nói chung, thủy sản miền Bắc nói riêng. Cho đến nay, khoa Thủy sản đã phát triển và mở rộng quy mô với 3 bộ môn: Nuôi trồng Thủy sản; Môi trường và bệnh Thủy sản; Dinh dưỡng và thức ăn Thủy sản.

2. Chức năng nhiệm vụ

Nhiệm vụ chính của Khoa là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều trình độ khác nhau để phục vụ cho các chương trình nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật để phát triển lĩnh vực thủy sản và nghề cá của cả nước, đặc biệt là khu vực phía Bắc Việt Nam. Từ lâu Khoa đã nổi trội trong các hoạt động và được xem như là một đơn vị đi đầu về thủy sản và nghề cá trong vùng.

Đào tạo bậc Đại học các ngành Nuôi trồng Thủy sản, Bệnh học thuỷ sản.

Thực hiện các nghiên cứu về kỹ thuật nuôi thủy sản, môi trường nước, thuỷ sinh vật, quản lý nguồn lợi thuỷ sản, ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản.

Chuyển giao các tiên bộ kỹ thuật tới nông dân và các cơ sở sản xuất, phục vụ cho sự phát triển nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản ở khu vực Đồng Bằng Sông Hồng và các vùng lân cận như chuyển giao công nghệ nuôi cá Trắm đen thương phẩm; baba thương phẩm.

Khoa đã nghiên cứu thành công và đưa ra nhiều tiến bộ khoa học ứng dụng rất hiệu quả trong sản xuất trong lĩnh vực thủy sản như: Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá Chạch sông, kỹ thuật chẩn đoán, phòng trị bệnh một số loài tôm cá…

3. Nguồn nhân lực và quy mô đào tạo

Hiện nay tổng số cán bộ của khoa Thủy sản là 24 người, trong đó có 6 phó giáo sư; 10 tiến sĩ; 4 nghiên cứu sinh; 13 thạc sĩ. Khoa có 18 cán bộ giảng dạy và 3 kỹ thuật viên.

Khoa thủy sản hiện nay phụ trách đào tạo 2 chuyên ngành là Nuôi trồng thủy sản và bệnh học thủy sản. Năm 2015 khoa bắt đầu mở chương trình đào tạo thạc sĩ. Vì vậy, khoa hiện nay có tổng số khoảng 300 sinh viên đại học và 20 học viên cao học. Trên đà phát triển, kết hoạch đào tạo của khoa Thủy sản trong những năm tới là mở rộng chương trình đào tạo chuyên ngành Bảo quản và chế biến thủy sản. Ngoài ra, chương trình đào tạo tiến sĩ cũng sẽ được mở để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thủy sản Việt Nam.

4. Cơ sở vật chất: Khoa Thủy sản quản lý diện tích đất 16.4 ha, trong đó:

Cơ sở văn phòng: Nhà khoa mới xây tại khu Chí Trung – Trâu Quỳ – Gia Lâm – Hà Nội cung cấp đầy đủ phòng, máy tính và cơ sở vật chất khác cho cán bộ viên chức làm việc.

Phòng thí nghiệm: Hiện tại khoa có 6 phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Trại sản xuất thực nghiệm: Khoa đang xây dựng 2 nhà sản xuất thực nghiệm với quy mô lớn – thuộc trung tâm giống nước ngọt – khoa Thủy sản. Nhà sản xuất thực nghiệm có đầy đủ hệ thống bể lớn nhỏ, hệ thống lọc sinh học, hệ thống sinh sản nhân tạo, hệ thống nước nóng – lạnh… có thể phục tốt nhất cho công tác sản xuất giống.

Hệ thống ao thí nghiệm: Hiện tại khoa Thủy sản phụ trách quản lý và sử dụng 13 ao lớn, nhỏ, trong đó có 2 ao lắng, ao chứa; 8 thực hiện mô hình thí nghiệm, trình diễn, nuôi giữa cá bố mẹ và sản xuất giống.

Khoa thủy sản./.