SEMINAR NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH BỆNH THỦY SẢN

Chiều ngày 31/10/2023, Nhóm NCM Bệnh Thủy sản – Khoa Thủy sản phối hợp cùng các chuyên gia khách mời tổ chức buổi seminar khoa học liên quan đến bệnh một số bệnh trên động vật thủy sản nước ngọt. Buổi seminar do PGS.TS. Trương Đình Hoài là chủ tọa với sự tham gia của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong Khoa Thủy sản. Tại buổi làm việc, 2 nội dung cụ thể đã được đưa ra phân tích, trao đổi gồm:

  1. Đánh giá khả năng gây bệnh của Streptococcus agalactiae serotype Ia và III trên cá rô phi trong thử thách thực nghiệm – NCS. Đoàn Thị Nhinh
  2. Columnaris trên cá nước ngọt: sự trở lại ở Việt Nam, tình hình dịch bệnh và giải pháp – PGS.TS. Trương Đình Hoài

Trong bày trình bày, NCS. Đoàn Thị Nhinh đã có những chia sẻ chuyên sâu về khả năng gây bệnh của Streptococcus agalactiae serotype Ia và III gây bệnh trên cá rô phi. Tổng cộng có 10 chủng nghi ngờ S. agalactiae thu được từ cá rô phi bị bệnh ở miền bắc Việt Nam vào năm 2022 đã được sử dụng để định danh bằng phương pháp sinh hóa và bằng xét nghiệm PCR cũng như xác định kiểu huyết thanh bằng PCR multiplex. Kết quả cho thấy 10 chủng S. agalactiae được xác định có 7 chủng thuộc kiểu huyết thanh III (ST III) và 3 chủng thuộc kiểu huyết thanh Ia (ST Ia). Thử nghiệm thử nghiệm trên cá rô phi của các chủng đại diện cho từng chủng huyết thanh cho thấy cá nhiễm chủng ST III gây chết sớm và nhanh hơn so với chủng ST Ia. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong tích lũy ở mức 14 ngày sau gây nhiễm giữa hai loại huyết thanh. LD50 của các chủng phân lập ST Ia và ST III lần lượt ở mức 2,5 × 104CFU/cá và 1,9 × 104CFU/cá. Các dấu hiệu lâm sàng, tổn thương tổng thể và mô bệnh học của cá gây nhiễm thực nghiệm giữa các týp huyết thanh Ia và III cũng tương tự nhau. Sự lưu hành của S. agalactiae ST Ia và ST III ở Việt Nam được báo cáo đầu tiên trong nghiên cứu này và khả năng gây bệnh của chúng được đặc trưng ở quy mô phòng thí nghiệm.

Ở nội dung trình bày thứ 2, PGS.TS. Trương Đình Hoài báo cáo về sự quay lại của vi khuẩn Flavorbacterium sp., đây là một trong những bệnh lâu đời nhất được biết đến ở các loài cá nước ấm và biểu hiện dưới dạng bệnh nhiễm trùng thường được gọi là bệnh Columnaris. Gần đây, loại vi khuẩn này đã gây dịch bệnh cho hầu hết các loài nuôi cá nước ngọt ở Việt Nam. Diễn giả đã mô tả đặc điểm bệnh do F. columnareF. oreochromis gây ra ở nhiều loài cá khác nhau, bao gồm cá rô phi, cá chép, cá trắm cỏ, cá chép đen và cá da trơn. Đặc điểm bệnh lý, độc lực và tình trạng kháng kháng sinh các đợt bùng phát dịch bệnh ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn 2020-2023 được mô tả chi tiết. Cuối bài trình bày, diễn giả chia sẻ các thông tin về: các kết quả nghiên cứu, biện pháp phòng trị cùng một số thảo luận liên quan.

Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi trong hơn 1 giờ liên quan chủ yếu đến tác nhân gây bệnh và các hướng phòng trị. Buổi chia sẻ kết thúc vào 16h cùng ngày.

Một số hình ảnh hoạt động

Nhóm NCM Bệnh Thủy sản