Hệ sinh thái suy thoái, khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học gia tăng đang đe dọa nền kinh tế, môi trường và an ninh lương thực toàn cầu. Tất cả những điều này đang trở nên trầm trọng hơn do tác động của đại dịch COVID-19 cùng với các cuộc khủng hoảng khác. Trên thế giới hiện có 811 triệu người bị đói và 3 tỷ người không có được chế độ dinh dưỡng tốt. Thực trạng này đã khiến các quốc gia khẩn trương chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp (agrifood systems) để đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh với giá cả phải chăng cho dân số thế giới ngày càng tăng, đồng thời bảo vệ sinh kế và tài nguyên thiên nhiên của trái đất.
Thực phẩm thủy sản (aquatic foods) đang ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu, không chỉ là nguồn cung cấp protein mà còn là nguồn cung cấp duy nhất và cực kỳ đa dạng các axit béo omega-3 thiết yếu và các vi chất dinh dưỡng khả dụng. Ưu tiên tích hợp lĩnh vực thủy sản vào các chiến lược, chính sách có liên quan đến hệ thống lương thực toàn cầu/ khu vực/ quốc gia là nội dung quan trọng, cần thiết cho quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm toàn cầu.
Ấn phẩm “Thủy sản Thế giới – Hướng tới Chuyển đổi Xanh” (The State of World Fisheries and Aquaculture (SOFIA) –Towards Blue Transformation) đã được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cập nhật ngày 05 tháng 02 năm 2024. Trong đó có các số liệu thống kê, chứng minh vai trò quan trọng của ngành thủy sản trong việc cung cấp thực phẩm, dinh dưỡng và việc làm. Năm 2020, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt kỷ lục 214 triệu tấn, trị giá 424 tỷ USD. Sản lượng này cao hơn 60% so với mức trung bình những năm 1990, vượt xa đáng kể tốc độ tăng dân số thế giới; phần lớn là nhờ sự tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản.
Theo FAO, thế giới đang tiêu thụ thực phẩm thủy sản nhiều hơn bao giờ hết – bình quân 20,2 kg/người – cao gấp đôi tỷ lệ tiêu thụ của 50 năm trước. Hiện nay, thực phẩm thủy sản cung cấp khoảng 17% lượng protein động vật, thậm chí đạt trên 50% ở một số quốc gia Châu Á và Châu Phi. Ngoài ra, ngành thủy sản còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 58,5 triệu lao động (trong đó 21% là phụ nữ). Ngoài ra, ấn phẩm cũng nhấn mạnh những thay đổi cần thiết trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản nhằm giải quyết những thách thức trong việc cung cấp lương thực cho thế giới theo cách thức “hiệu quả – công bằng – bền vững”.
Chủ đề bản ấn phẩm mới nhất này của FAO là “Hướng tới Chuyển đổi Xanh”; theo đó, phản ánh sự thay đổi cần thiết của ngành thủy sản thế giới hướng tới mục tiêu phát triển “bền vững – toàn diện – hiệu quả”; đáp ứng yêu cầu cấp thiết của việc tích hợp “thực phẩm thủy sản bền vững” (sustainably harvested aquatic foods) vào các chính sách/ chương trình an ninh lương thực quốc gia cũng như góp phần khôi phục môi trường thủy sinh và đa dạng sinh học.
“Thủy sản Thế giới – Hướng tới Chuyển đổi Xanh” được xuất bản trong bối cảnh nhiều chính sách quan trọng được công bố:
Một là “Tuyên bố Nghề cá Bền vững” (the Declaration for Sustainable Fisheries and Aquaculture) được thông qua năm 2021 tại Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Nghề cá của FAO (the FAO Committee on Fisheries – COFI), kêu gọi chung tay “phát triển nghề cá thế giới thế kỷ 20 – lĩnh vực có nhiều đóng góp tích cực trong việc chống lại nạn nghèo đói và suy dinh dưỡng”.
Hai là, trùng với thời điểm triển khai 03 Thập kỷ hành động của Liên hợp quốc: (i) Thập kỷ hành động nhằm thực hiện các mục tiêu toàn cầu (the Decade of Action to deliver the Global Goals), (ii) Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững (the Decade of Ocean Science for Sustainable Development), và (iii) Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (the Decade on Ecosystem Restoration).
Ba là, thế giới sắp bước vào Năm quốc tế về nghề cá thủ công (the International Year of Artisanal Fisheries and Aquaculture). Thời điểm này đã tạo cơ hội cho việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm thủy sản theo hướng “hiệu quả hơn, toàn diện hơn, kiên cường hơn và bền vững hơn” (more efficient, more inclusive, more resilient and more sustainable aquatic food systems); qua đó góp phần thúc đẩy ngành thủy sản thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Có thể thấy, kể từ lần xuất bản đầu tiên (năm 1995), ấn phẩm “The State of World Fisheries and Aquaculture – SOFIA” đã cung cấp nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật, cũng như thông tin chi tiết các kết quả nghiên cứu thủy sản – lĩnh vực luôn được đánh giá là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của xã hội.
SOFIA phục vụ nhiều đối tượng độc giả – từ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, đến nông ngư dân và người tiêu dùng. SOFIA cũng chứng minh vai trò và đóng góp quan trọng của nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trong việc cung cấp sản lượng gia tăng, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người. Ấn phẩm “Thủy sản Thế giới – Hướng tới Chuyển đổi Xanh” chắc chắn sẽ đem đến cho các độc giả những kiến thức quý báu, giúp giải quyết những thách thức của thế kỷ XXI.
Những con số thống kê ấn tượng
1. Sản lượng thủy sản toàn cầu đang đạt mức cao kỷ lục và ngành thủy sản đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm và dinh dưỡng cho con người. Cụ thể năm 2020 tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt kỷ lục 214 triệu tấn, bao gồm 178 triệu tấn động vật thủy sản và 36 triệu tấn thực vật thủy sản (tảo), phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng của ngành nuôi trồng thủy sản, nhất là ở châu Á. Lượng tiêu thụ bình quân đầu người (chỉ tính động vật thủy sản, không tính đến tảo) là 20,2 kg – cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 9,9 kg/người trong những năm 1960. Ước tính giải quyết việc làm cho khoảng 58,5 triệu người, và khoảng 600 triệu sinh kế (livelihoods) phụ thuộc vào hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Thương mại thủy sản quốc tế tạo ra khoảng 151 tỷ USD vào năm 2020, giảm so với mức cao kỷ lục 165 tỷ USD vào năm 2018, chủ yếu do dịch COVID-19.
2. Nuôi trồng thủy sản có tiềm năng lớn để nuôi sống dân số ngày càng tăng trên thế giới. Nhưng tăng trưởng phải hướng tới phát triển bền vững. Năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu đạt kỷ lục 122,6 triệu tấn, trị giá 281,5 tỷ USD. Động vật thủy sản chiếm 87,5 triệu tấn và tảo chiếm 35,1 triệu tấn. Năm 2020, nhờ sự mở rộng ở Chile, Trung Quốc và Na Uy, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu đã tăng trưởng ở tất cả các khu vực (ngoại trừ Châu Phi do có sự sụt giảm ở hai nước sản xuất chính là Ai Cập và Nigeria). Châu Á tiếp tục thống trị ngành nuôi trồng thủy sản thế giới, sản xuất tới 91,6% tổng sản lượng toàn cầu. Tăng trưởng nuôi trồng thủy sản thường đi đôi với sự tổn hại môi trường. Vì vậy, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững được đề cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm thủy sản toàn cầu.
3. Những năm gần đây, tiêu thụ thực phẩm thủy sản trên thế giới tăng đáng kể và sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, tiêu thụ thực phẩm thủy sản toàn cầu (trừ tảo) đã tăng với tốc độ trung bình 3%/năm kể từ năm 1961 (cao hơn nhiều so với tốc độ tăng dân số 1,6%). Tính theo đầu người thì mức tiêu thụ thực phẩm thủy sản đã tăng từ mức trung bình 9,9 kg vào những năm 1960 lên mức cao kỷ lục 20,5 kg vào năm 2019, sau đó giảm nhẹ xuống 20,2 kg vào năm 2020. FAO dự đoán: Thu nhập của người tiêu dùng tăng cùng với đô thị hóa, những cải thiện sau thu hoạch và sự thay đổi trong xu hướng ăn uống sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ thực phẩm thủy sản tăng 15%, cung cấp trung bình 21,4 kg/người vào năm 2030.
4. Nguồn lợi thủy sản tiếp tục suy giảm do đánh bắt quá mức, nạn ô nhiễm môi trường, công tác quản lý kém và các yếu tố khác, tuy nhiên, sản lượng đánh bắt từ các nguồn lợi bền vững đang gia tăng. Trữ lượng thủy sản bền vững đã giảm tỷ lệ xuống còn 64,6% vào năm 2019, thấp hơn 1,2% so với năm 2017. Tuy nhiên, có tới 82,5% sản lượng khai thác trong năm thống kê này là từ trữ lượng bền vững, cải thiện 3,8% so với năm 2017. Quản lý nghề cá bền vững đã được chứng minh thông qua việc phục hồi thành công trữ lượng thủy sản và tăng sản lượng đánh bắt trong phạm vi bảo vệ hệ sinh thái. Cải thiện quản lý nghề cá toàn cầu vẫn rất được chú trọng, giúp khôi phục hệ sinh thái trở về trạng thái khỏe mạnh và năng suất; đồng thời bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm thủy sản lâu dài. Việc tái tạo nguồn lợi thủy sản có thể giúp gia tăng sản lượng lên 16,5 triệu tấn; nâng cao sự đóng góp của nghề khai thác đối với an ninh lương thực toàn cầu, tăng trưởng kinh tế và phúc lợi của cộng đồng ngư dân ven biển.
5. Số lượng đội tàu khai thác tiếp tục giảm nhưng vẫn cần triển khai nhiều hơn nữa để giảm thiểu cường lực khai thác, đảm bảo tính bền vững trong hoạt động này. Năm 2020, tổng số tàu cá toàn cầu ước tính 4,1 triệu chiếc, giảm 10% kể từ năm 2015, đã phản ánh nỗ lực của các quốc gia (đặc biệt là Trung Quốc và các nước châu Âu) trong việc giảm quy mô đội tàu toàn cầu. Châu Á vẫn có đội tàu đánh cá lớn nhất, chiếm khoảng 2/3 tổng số này. Việc cắt giảm đội tàu khai thác sẽ đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
6. Sản lượng thủy sản được dự báo tăng 14% vào năm 2030. Điều quan trọng là sự tăng trưởng này đi đôi với việc bảo vệ hệ sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh thái và đảm bảo công bằng xã hội. Về triển vọng của nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, FAO đã dự đoán đến năm 2030 sản lượng, tiêu dùng và thương mại sẽ tăng lên (mặc dù tăng trưởng với tốc độ chậm hơn). Tổng sản lượng thủy sản (trừ tảo) dự kiến đạt 202 triệu tấn vào năm 2030, chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng nuôi trồng thủy sản bền vững, với sản lượng nuôi trồng dự kiến đạt 100 triệu tấn vào năm 2027 và 106 triệu tấn vào năm 2030. Sản lượng khai thác cũng được FAO dự đoán sẽ phục hồi, tăng 6% từ năm 2020 và đạt 96 triệu tấn vào năm 2030 nhờ công tác quản lý nguồn lợi hiệu quả, giảm lượng rác thải, chất thải và giảm tổn thất sau thu hoạch.
7. Trên thế giới có hàng triệu sinh kế thủy sản. Tuy nhiên, các nhà sản xuất quy mô nhỏ, và đặc biệt là phụ nữ rất dễ bị tổn thương trước điều kiện làm việc bấp bênh. Do đó, tạo sự thích ứng chính là chìa khóa cho sự phát triển công bằng và bền vững. Trong số 58,5 triệu người làm việc trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản có 21% là phụ nữ. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, nhưng phần lớn phụ nữ là lao động không chính thức, được trả lương thấp nhất, cuộc sống kém ổn định nhất và phải đối mặt với những định kiến “giới” khiến phụ nữ không được hưởng lợi đầy đủ từ công việc họ làm.
8. “Chuyển đổi xanh” có thể giải quyết được hai vấn đề lớn: an ninh lương thực và môi trường bền vững. FAO cam kết đây là chiến lược có tầm nhìn xa, giúp nâng cao vai trò của hệ thống thực phẩm thủy sản trong việc cung cấp lương thực cho dân số ngày càng tăng trên thế giới bằng cách cung cấp các khung pháp lý, chính sách và kỹ thuật cần thiết để duy trì tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Chiến lược Chuyển đổi xanh đã đề xuất một loạt hành động nhằm hỗ trợ khả năng phục hồi của hệ thống thực phẩm thủy sản, đảm bảo nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, đặc biệt với những cộng đồng phụ thuộc vào ngành thủy sản. Các chính sách và thực hành đều thân thiện với môi trường. Cùng với đó, đổi mới công nghệ là nền tảng quan trọng cho “Chuyển đổi xanh”.
9. “Chuyển đổi xanh” đòi hỏi sự cam kết công-tư để đạt được Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc (the United Nations 2030 Agenda) nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm đảo ngược xu hướng thuận lợi trước đây. Cụ thể, “Chuyển đổi xanh” thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững, quản lý thủy sản hiệu quả và nâng cấp chuỗi giá trị thủy sản. Cần có sự hợp tác tích cực giữa nhà nước và tư nhân để cải thiện sản xuất, giảm thất thoát và lãng phí lương thực. Hơn nữa, việc đưa thực phẩm thủy sản vào chiến lược an ninh lương thực quốc gia, cùng với các sáng kiến nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là những việc làm cần thiết để tăng nguồn cung thủy sản.
Khoa Thủy sản sưu tầm