Sử dụng hóa chất, kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả xấu. Do vậy, người nuôi cần hiểu bản chất, cơ chế hoạt động và các tác hại của những chất này để có thể sử dụng đúng cách, đúng liều, đảm bảo giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh trong nuôi tôm.
Sử dụng kháng sinh đúng cách, đúng liều, giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh trong nuôi tôm
Kháng sinh là gì?
Kháng sinh là thuốc có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp trong điều kiện nhân tạo. Chúng có khả năng tiêu diệt hoặc kìm hãm các vi sinh vật. Vì thế, kháng sinh được dùng để trị các bệnh nhiễm khuẩn ở người, vật nuôi và cây trồng.
Nếu dựa vào cơ chế tác động, người ta có thể phân kháng sinh thành 2 nhóm: diệt khuẩn và ức chế khuẩn. Nhóm diệt khuẩn có khả năng tiêu diệt hẳn vi khuẩn gây bệnh (như Rifamycin hay các kháng sinh thuộc nhóm Quinolones). Nhóm ức chế khuẩn chỉ kìm hãm hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn chứ không tiêu diệt (như Erythromycin, Spiramycin, Oxytetracycline hoặc các kháng sinh thuộc nhóm Sulphonamides).
Cần lưu ý, kháng sinh tiêu diệt cả các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của tôm nếu được trộn vào thức ăn, khiến cho tôm chậm lớn hoặc chúng có thể diệt các vi khuẩn có lợi trong môi trường nếu đưa vào nước ao. Kháng sinh không diệt được virus. Vì thế, với các bệnh do virus gây ra như Đốm trắng, Taura, Đầu vàng, tôm còi MBV hay Hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô… thì không thể sử dụng kháng sinh để phòng hoặc điều trị bệnh.
Chỉ có một số nhóm kháng sinh được phép sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bao gồm:
+ Tetracycline (như Oxytetracycline): Kìm hãm cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm.
+ Quinolones (như Sarafloxacin): Diệt hoặc ức chế vi khuẩn thuộc nhóm Gram dương.
+ Macrolides (như Erythromycin): Có thể dùng kết hợp với tetracycline và rifampicine.
+ Sulphonamides: Được dùng chung với trimethoprim hay methoprim.
Tác hại sử dụng kháng sinh không đúng cách
+ Vi khuẩn kháng thuốc khiến việc phòng trị bệnh không còn tác dụng.
+ Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng.
+ Thay đổi hệ vi sinh vật tự nhiên, gây mất cân bằng sinh thái hoặc gây hại cho các loài sinh vật tự nhiên.
+ Sản phẩm tôm nuôi nếu có dư lượng kháng sinh không được phép sử dụng sẽ bị cấm tiêu thụ và xuất khẩu.
Một số lưu ý khi sử dụng kháng sinh
Chỉ dùng kháng sinh khi không còn cách nào khác và chỉ sử dụng cho bệnh do vi khuẩn gây ra. Chỉ dùng các loại kháng sinh được Nhà nước cho phép. Đặc biệt, người nuôi cần áp dụng nguyên tắc đúng loại, đúng bệnh, đúng cách, đúng liều, đúng lúc và đủ thời gian theo chỉ dẫn. Kháng sinh được sử dụng để trị bệnh, không phải để phòng bệnh.
Phải dùng liều đủ cao ngay từ đầu để tiêu diệt hoặc ức chế vi khuẩn gây bệnh. Tuyệt đối không dùng liều thấp rồi mới tăng dần lên, khiến cho vi khuẩn dễ kháng thuốc. Hiệu quả sử dụng sẽ cao hơn nếu kháng sinh được sử dụng đúng lúc khi mà mật độ vi khuẩn còn tương đối thấp. Không ngưng thuốc khi chưa đủ liều ngay cả khi bệnh đã có dấu hiệu thuyên giảm.
Trong quá trình sử dụng nên kết hợp với các giải pháp khác như cải thiện điều kiện môi trường, bổ sung dinh dưỡng cho tôm… để hiệu quả được cao hơn. Dừng sử dụng 14 ngày trước khi thu hoạch tôm.
Bên cạnh đó, khi mua kháng sinh, nên chú ý kiểm tra đầy đủ thành phần thuốc, bao bì còn nguyên vẹn, nhãn mác đủ thông tin về tên, thành phần hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn dùng, mã số lô, tên cơ sở sản xuất.
Một số thảo dược thay thế kháng sinh
Thảo dược được sử dụng như một nguồn dược phẩm trị liệu và phụ gia thức ăn trong nuôi trồng thủy sản, cụ thể, chúng có khả năng thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện hệ thống miễn dịch và khả năng kháng khuẩn. Bên cạnh đó, thảo dược với nhiều ưu điểm như rẻ, dễ chuẩn bị, hiệu quả phòng bệnh cao do dễ hấp thu, ít tác dụng phụ trong quá trình điều trị bệnh và không ảnh hưởng đến môi trường cũng như không nguy hiểm đến đối tượng nuôi.
Tỏi: Chất kích thích miễn dịch tự nhiên
Chất allin có trong tỏi là axit hữu cơ, có khả năng kháng khuẩn, nấm trên tôm. Trong tỏi còn chứa chất diallyl disulfide, chất này mạnh hơn hai dòng kháng sinh đang dùng phổ biến trong nuôi tôm thẻ chân trắng là Erythromycin, Ciprofloxacin và có tác dụng nhanh hơn hai loại kháng sinh này.
Ngoài khả năng kháng khuẩn, tỏi còn có tác dụng trên một số nội ký sinh trùng như trị sán, giun kim, hay các bệnh nấm. Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm, gram dương, kháng virus, kháng nấm. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Bổ sung tinh dầu tỏi cho tôm thẻ chân trắng, giúp tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Tỏi có khả năng ức chế, thậm chí kháng vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng và cả virus, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho tôm thẻ chân trắng theo hướng phòng bệnh chủ động.
Diệp dạ châu: Phòng ngừa bệnh Đốm trắng
Diệp hạ châu thuộc họ thầu dầu, có 3 loài cây gần giống nhau là diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum.& Thonn), diệp hạ châu ngọt (Phyllanthus urinaria) và một loại diệp hạ châu nữa là Phyllanthus sp. Nhưng Diệp hạ châu đắng là loài có dược tính mạnh nhất và chứa nhiều hoạt chất quan trọng có ích trong việc điều trị bệnh. Sử dụng sản phẩm diệp hạ châu cho tôm trong suốt chu kỳ nuôi, có khả năng phòng ngừa bệnh Đốm trắng, Hoại tử gan tuỵ, liều lượng dùng diệp hạ châu chiết xuất phổ biến 8 g/kg thức ăn/ngày cho hiệu quả.
Cây thầu dầu: Tăng khả năng miễn dịch trên tôm
Có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Địa Trung Hải, Ấn Độ, Đông Phi và vùng nhiệt đới. Có nhiều loại thầu dầu khác nhau, nhưng phổ biến nhất cũng như được nhiều người tin dùng là cây thầu dầu tía. Với tên gọi là cây đu đủ tía thuộc nhóm những loài cây quý, có nhiều công dụng để chữa bệnh. Một nghiên cứu của Đại học Cần Thơ cho rằng, chất chiết xuất từ thầu dầu có hoạt tính kháng khuẩn cao, giúp tôm nuôi tăng cường khả năng kháng vi khuẩn V. harveyi gây bệnh Phát sáng; Bổ sung cao chiết thầu dầu 1,0% giúp gia tăng khả năng miễn dịch và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng khi cảm nhiễm với V. Parahaemolyticus, gây bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm (AHPND).
Sim: Kháng bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính
Cả cây sim chứa tanin. Quả có chất béo, protein, glucid, thiamin, riboflavin, acid nicotinic và vitamin A. Thân và lá sim có nhiều hợp chất triterpen như acid betulinic; taraxerol, betullin,… Nụ sim có nhiều flavonic, riboflavin, tanin, acid nicotinic, flavonic, riboflavin… Ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã thực hiện nghiên cứu tác dụng diệt khuẩn của dịch chiết lá sim và hạt sim đối với vi khuẩn gây bệnh Hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi nước lợ. Tác dụng diệt khuẩn của cao chiết lá sim và hạt sim đã được xác định đối với vi khuẩn gây bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (V. parahaemolyticus). Trong đó, dịch chiết hạt sim thể hiện hoạt tính kháng vi khuẩn gây AHPND cao hơn so với dịch chiết lá sim.
Nguồn: https://nguoinuoitom.vn/khang-sinh-trong-nuoi-tom-nhung-dieu-can-biet/