Để giảm giá thành, người nuôi tôm cần có một chiến lược dinh dưỡng hiệu quả, bắt đầu từ việc lựa chọn thức ăn nuôi tôm phù hợp.
Việc cung cấp đạm trong thức ăn cần đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho quá trình duy trì và phát triển tối ưu của tôm. Điều này bao gồm việc đảm bảo thức ăn được tiêu hóa một cách hiệu quả, hấp thụ triệt để và chuyển hóa hoàn toàn trong cơ thể tôm.
Khi đạm được sử dụng một cách phù hợp, sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhanh và sức khỏe tốt cho tôm, đồng thời góp phần vào việc duy trì môi trường nuôi tôm sạch sẽ. Mức độ hấp thụ đạm tối ưu trong cơ thể tôm liên quan trực tiếp đến lượng và chất lượng thức ăn mà tôm tiêu thụ hàng ngày.
Thức ăn đúng độ đạm giúp tôm cải thiện tăng trưởng, tỷ lệ sống và quản lý môi trường nuôi tôm
Nhu cầu đạm theo từng loại tôm và giai đoạn phát triển
Mỗi loại tôm có nhu cầu dinh dưỡng riêng biệt, chẳng hạn như tôm thẻ chân trắng cần khoảng 30 – 35% protein trong khẩu phần ăn. Nhu cầu này biến đổi tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của tôm.
+ Trong giai đoạn đầu, từ khi thả giống đến khi tôm đạt trọng lượng khoảng 3 gram/con thức ăn nên chứa dưới 40% protein.
+ Giai đoạn từ 3 – 8 gram/con, mức protein phù hợp là khoảng 38%.
+ Từ giai đoạn 8 gram đến khi xuất bán, thức ăn cần chứa từ 35 – 38% protein.
Cung cấp độ đạm phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của tôm
Nhu cầu đạm của tôm biến đổi theo từng giai đoạn phát triển. Tôm nhỏ yêu cầu lượng đạm cao hơn so với tôm lớn. Do đó, các nhà sản xuất thức ăn thường phân loại sản phẩm dựa trên kích thước tôm và cung cấp lượng đạm phù hợp cho từng loại. Thức ăn dành cho tôm nhỏ thường chứa lượng đạm cao hơn so với thức ăn cho tôm lớn.
Tuy nhiên, việc bổ sung thức ăn có đạm cao không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích. Do khả năng hấp thụ đạm của tôm có hạn, việc sử dụng quá mức thức ăn đạm cao có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe ruột và ảnh hưởng đến môi trường nước trong ao nuôi. Người nuôi tôm nên chọn các loại thức ăn với mức độ đạm khoảng 36 – 38%, và bổ sung thêm các loại đạm dễ hấp thụ khi cần. Việc sử dụng các dạng đạm như đạm thủy phân hoặc acid amin sẽ góp phần cải thiện sự phát triển và sức khỏe của tôm, đồng thời tăng sản lượng tôm.
Việc sử dụng thức ăn nuôi tôm đúng độ đạm mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi, bao gồm: giảm chi phí thức ăn; tăng hiệu quả hấp thụ; cải thiện tăng trưởng và tỷ lệ sống; quản lý môi trường nước tốt hơn.
Nguôn: https://nguoinuoitom.vn/su-dung-thuc-an-dung-do-dam-giam-gia-thanh-nuoi-tom/