Nhận biết tảo giáp trong ao tôm

Sự phát triển của tảo giáp trong ao tôm luôn là nỗi lo đối với người nuôi, bởi đây là loài tảo có hại, thường gây ra một số bệnh phổ biến trên tôm như: Tắc nghẽn đường ruột, ruột đứt khúc, phân đứt khúc, rớt cục thịt và nổi đầu về đêm. Do đó, việc nhận biết và kịp thời xử lý sẽ giúp bà con đảm bảo được năng suất vụ nuôi.

Tảo
                                                                   Tảo trong ao tôm

Đặc điểm tảo giáp

Tảo giáp là loại tảo thuộc ngành tảo giáp (Dinophyta) hay tảo hai roi có trên 550 giống và bao gồm 4.000 loài. Chúng phân bố rộng rãi chủ yếu ở biển và chỉ có khoảng 220 loài tảo này sống ở khu vực nước ngọt. 

Tảo giáp chủ yếu tồn tại ở dạng đơn bào, hình sợi và di chuyển bằng 2 roi. Phần roi thứ nhất nằm trong rãnh ngang có chức năng giúp tế bào chuyển động xoay tròn, roi còn lại sẽ nằm trong rãnh dọc giúp tế bào chuyển động về phía trước hoặc lùi về sau.

Khi chúng phát triển quá mức sẽ khiến nước ao nuôi có màu đỏ, đây còn được gọi là hiện tượng thủy triều đỏ. Tác hại của thủy triều đỏ sẽ kìm hãm sự phát triển hoặc tiêu diệt các vi sinh vật khác trong ao nuôi. Thông thường, chúng sẽ phát triển mạnh vào những mùa nắng nóng có nhiệt độ cao với số lượng có thể tương đương với tảo khuê (tảo Silic).

Tảo giáp                                                 Một số loại tảo giáp thường thấy trong ao nuôi

Tảo giáp khi chết còn sinh ra một lượng lớn NH3 gây độc cho tôm và làm tăng nồng độ khí độc NO2– trong ao. Ngoài ra, chúng còn khiến tôm nổi đầu vào ban đêm hoặc sáng sớm do thiếu hụt nguồn oxy trong nước. Bên cạnh đó, hiện tượng phát sáng của tảo giáp vào ban đêm làm ảnh hưởng đến tập tính sống của tôm. 

Nguyên nhân

Một số loài thường gặp trong ao nuôi tôm là Gymnodinium sp.Peridium sp.Ceratium sp.Protoperidinium sp.Alexandrium sp… Chúng xuất hiện thường do:

– Nguồn nước cấp từ bên ngoài đã có sẵn tảo giáp, khi cấp vào ao từ những số lượng ít tảo giáp ban đầu gặp điều kiện môi trường thuận lợi sẽ phát triển nhanh chóng.

– Sự mất cân bằng khoáng đa vi lượng trong ao cũng là nguyên nhân cho sự phát triển của tảo giáp.

– Nền đáy ao nhiễm bẩn mức độ cao, sự tích tụ Nitơ, Photpho khiến cho tảo giáp phát triển quá mức.

Dấu hiệu nhận biết

– Màu nước: Khi ao nuôi tôm bị nhiễm tảo giáp, nước ao thường ngả về màu đỏ hoặc nâu đỏ. Đó là do tảo giáp tăng trưởng mạnh, chúng tích tụ lại với nhau và nổi trên mặt nước.

– Xuất hiện mùi: Một số loại tảo giáp có khả năng sản sinh các chất hữu cơ gây mùi hôi. Nếu ao nuôi tôm tồn tại một lượng lớn tảo giáp, có thể có mùi hôi khó chịu phát sinh từ nước ao.

– pH: Người nuôi có thể đo lường, theo dõi chỉ số pH nước ao vào nhiều thời điểm trong ngày, nếu thấy có sự dao động lớn giữa ngày và đêm thì khả năng cao ao nuôi đã nhiễm tảo giáp.

– Biểu hiện trên tôm: Khi quan sát ao, thấy hiện tượng tôm nổi đầu, đặc biệt là vào ban đêm hoặc lúc sáng sớm. Điều này cho thấy tảo giáp đã phát triển mạnh mẽ trong ao nuôi, làm giảm lượng oxy hòa tan, khiến tôm phải nổi đầu để thở.

Nếu ao nuôi xuất hiện tảo giáp sẽ khiến đáy ao nuôi bị dơ và phát sinh vi khuẩn. Khi vi khuẩn phát triển mạnh sẽ tấn công vào chân bơi, phụ bộ, râu làm cho tôm bị mòn đuôi, cụt râu. Mặt khác, tảo giáp còn cạnh tranh nguồn dinh dưỡng, khoáng chất của tôm khiến tôm đói và cắn nhau và gây nên vấn đề tương tự. 

Biện pháp cắt, diệt tảo

Hóa chất

– Với BKC hay TCCA. Lưu ý là cắt tảo bằng hóa chất thì cắt lúc trời nắng (50% tạt nơi có tảo, 50% tạt đều ao), ngưng chạy quạt 30 phút rồi cho chạy quạt lại. 

– Với vôi, cải tạo với liều lượng trong khoảng <20kg/1000m3 nước sau khi dánh vôi sử dụng kèm zeolite 20kg/1000m3. Lưu ý là cắt tảo bằng vôi vào ban đêm.

– Cắt tảo bằng Đồng Sunfat 

Biện pháp sinh học

– Nuôi tôm kết hợp cá rô phi, tập tính của cá rô phi là chúng thường sống ở tầng đáy và tầng nước giữa. Chúng có khả năng tiêu hóa từ 30% – 60% hàm lượng đạm trong tảo, đặc biệt là các loại tảo độc, giúp ổn định môi trường nước nuôi. 

– Cắt tảo bằng chế phẩm sinh học vừa có tác dụng xử lý tảo độc mạnh mẽ, vừa bổ sung các nguồn vi sinh có lợi, giúp ổn định môi trường nước và hạn chế các tác động lên tôm.

Nguồn : Tép Bạc