Vào hồi 14 giờ chiều thứ 3 ngày 19/11/2024, Nhóm NCM Bệnh Thủy sản – Khoa Thủy sản tổ chức buổi seminar khoa học do PGS.TS. Kim Văn Vạn là chủ tọa. Buổi chia sẻ học thuật có sự tham gia của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong Khoa Thủy sản.
Mở đầu buổi chia sẻ, PGS.TS. Kim Văn Vạn trình bày đề dẫn với nội dung khái quát về ngành Thủy sản năm 2024. Thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản đóng một vai trò to lớn trong đời sống của con người, cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng và tạo sinh kế cho người dân trên toàn thế giới. Đối với Nhật Bản, ngành thuỷ sản không chỉ là một ngành kinh tế đơn thuần tạo ra giá trị kinh tế rất lớn cho đất nước, mà sản phẩm tạo ra từ ngành này mang giá trị văn hoá ẩm thực đặc trưng, mang bản sắc dân tộc. Dịch bệnh trên động vật thuỷ sản là một vấn đề tất yếu khi các mô hình nuôi thâm canh, mật độ cao ngày càng phát triển. Do vậy, cần có những nghiên cứu về công nghệ mới, giải pháp mới tiên tiến để giải quyết vấn đề nêu trên. Nội dung chính của buổi chia sẻ bao gồm:
1. PGS.TS. Trương Đình Hoài chia sẻ nội dung: VACCINE – giải pháp tối ưu trong phòng bệnh thuỷ sản tại Nhật Bản.
2. TS. Đoàn Thanh Loan báo cáo nghiên cứu: Nghiên cứu đặc điểm sinh sản và phát triển phôi, ấu trùng cá rô đầu vuông nuôi trong môi trường nước bioflocs.
3. TS. Đoàn Thị Nhinh trình bày về nội dung: Đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ và độ mặn đến khả năng sinh trưởng và gây bệnh của vi khuẩn Edwardsiella ictaluri trên cá rô phi.
PGS.TS. Trương Đình Hoài mở đầu nội dung trình bày với những chia sẻ khái quát về Vaccine trong nuôi trồng thủy sản. Việc quản lý thuốc, hoá chất sử dụng nghiêm ngặt và yêu cầu chất lượng sản phẩm rất cao tại Nhật Bản đã chính là động lực lớn giúp cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh thuỷ sản ở đây mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả nổi bật. Vắc xin đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi để phòng chống dịch bệnh thuỷ sản một cách chủ động, giảm thiểu thiệt hại kinh tế, giảm tồn dư hoá chất và kháng sinh trong sản phẩm và đảm bảo môi trường sinh thái, giúp ngành thuỷ sản của Nhật Bản phát triển bền vững. Bài trình bày đề cập đến các thành tựu về nghiên cứu, phát triển vắc xin tại Nhật Bản và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, cũng như gợi mở những hướng đi trong nghiên cứu và ứng dụng vắc xin thủy sản tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tiếp đến, TS. Đoàn Thanh Loan báo cáo nội dung liên quan đến sản xuất giống và nuôi cá rô đầu vuông bằng công nghệ bioflocs. Nghiên cứu mô tả chi tiết đặc điểm sinh sản và sự phát triển phôi của cá rô đầu vuông Anabas testudineus được nuôi thành công trong môi trường nước Bioflocs nhằm hướng đến sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm. Qua quan sát, cá mẹ đẻ trứng rời, nổi, màu vàng nhạt. Sau 6,5 giờ tiêm kích dục tố LHRHa cá đực bắt đầu bơi quanh cá cái để làm quen và bắt cặp với nhau khoảng 30 phút, cá đực sẽ phóng tinh luôn vào trứng mà cá cái vừa đẻ xong. Kết quả cho thấy cá rô đầu vuông sinh sản có số lượng trứng trung bình là 125.408,40 ± 18.068,67 chiếm 15,09 ± 1,77% khối lượng cá. Trọng lượng một trứng là 0,00036 ± 0,00001 gram có kích thước 0,81 ± 0,02 mm. Trứng cá sau thụ tinh chênh lệch nhỏ về kích thước và tương đối là đồng đều với nhau. Trứng thụ tinh, sau khoảng 30 phút, phôi bắt đầu phân chia thành nhiều tế bào. Về sự phát triển của phôi, tổng thời gian phát triển của phôi đến khi nở thành ấu trùng cá rô đầu vuông là 16 giờ (Sau khi thụ tinh 14,5 giờ, trứng bắt đầu nở và nở hết sau 1,5 giờ tiếp theo). Trọng lượng khi tham gia sinh sản của cá bố là 171,33±9,90 gram; cá mẹ 299,07±15,53 gram. Chiều dài toàn thân khi tham gia sinh sản của cá bố là 19,04±2,08 cm; cá mẹ là 24,78±1,07 cm.
Nội dung thứ 3 do TS. Đoàn Thị Nhinh trình bày liên quan đến vi khuẩn Edwardsiella ictaluri trên cá rô phi. Đây là bệnh mới nổi, đã lây lan trên diện rộng và gây chết với tỷ lệ cao trên cá rô phi nuôi. Nghiên cứu đã sử dụng 9 chủng E. ictaluri phân lập được ở các tỉnh miền Bắc để đánh giá khả năng sinh trưởng trong điều kiện in vitro ở các nhiệt độ và độ mặn khác nhau, đồng thời tiến hành cảm nhiễm để đánh giá khả năng gây bệnh trên cá đối với 1 chủng đại diện. Kết quả cho thấy, khả năng sinh trưởng của vi khuẩn E. ictaluri đạt tối ưu ở nhiệt độ 25-30°C và giảm rõ rệt ở các nhiệt độ 15, 20 và 35°C. Không quan sát được sự phát triển của vi khuẩn ở 10°C và không phát hiện tế bào vi khuẩn sống ở 40°C. Vi khuẩn phát triển tốt nhất ở độ mặn 0-5‰, với và giảm nhanh ở 10, 15 và 20‰. E. ictaluri gây bệnh cho cá rô phi ở nhiệt độ từ 17,5 đến 27,5°C, với tỷ lệ chết cao nhất ở 20°C và 25°C. Cá bị nhiễm bệnh có các dấu hiệu bệnh tích và tổn thương mô học ở mức độ nghiêm trọng ở nhiệt độ 25 và 27,5°C, mức độ trung bình và nhẹ ở 20°C và 17,5°C. Vi khuẩn ngày gây bệnh ở tất cả các độ mặn thử nghiệm, với tỷ lệ cá chết 100% ở 15 và 20‰, giảm thấp ở 0‰ và 5‰, và thấp nhất ở 10‰. Các dấu hiệu bệnh tích và tổn thương mô học ở mức độ nghiêm trọng, trung bình và nhẹ đối với cá được nuôi tương ứng ở 0-10‰, 15‰ và 20‰..
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi trong hơn 1 giờ liên quan đến các nội dung trình bày dưới sự chủ trì của PGS.TS. Kim Văn Vạn. Buổi chia sẻ kết thúc vào 16h cùng ngày.
Một số hình ảnh hoạt động
Nhóm NCM Bệnh Thủy sản