Vào hồi 9 giờ sáng thứ 5 ngày 7/11/2024, Nhóm NCM Bệnh Thủy sản – Khoa Thủy sản tổ chức buổi seminar khoa học do PGS.TS. Kim Văn Vạn là chủ tọa. Buổi chia sẻ học thuật có sự tham gia của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong Khoa Thủy sản. Nội dung chính của buổi chia sẻ bao gồm:
1. PGS.TS. Trương Đình Hoài chia sẻ nội dung: Phân lập, đánh giá độ nhạy với kháng sinh của vi khuẩn Flavobacterium columnare gây bệnh trên cá chép nuôi tại miền Bắc.
2. TS. Lê Việt Dũng báo cáo nghiên cứu: Ứng dụng Tomota IoT trong quản lý trang trại nuôi tôm.
3. ThS. Lê Thị Cẩm Vân trình bày nội dung: Ảnh hưởng của các mức mức oxy hóa khử tới mật độ vi khuẩn trong thịt hàu Bồ Đào Nha (Crassostrea angulata) được xử lý sau thu hoạch bằng hệ thống điện hóa siêu âm.
PGS.TS. Trương Đình Hoài mở đầu nội dung trình bày với những chia sẻ khái quát về một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh, phân lập, định danh và đánh giá hiện trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn Flavobacterium columnare gây bệnh trên cá chép ở một số tỉnh miền Bắc. Tổng số 145 mẫu cá chép nghi nhiễm F. columnare được thu từ 27 hộ nuôi thuộc 03 tỉnh Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh để phục vụ nghiên cứu. Kết quả cho thấy mẫu cá chép nhiễm bệnh có các dấu hiệu đặc trưng như mang xơ trắng, hoại tử, xơ vây và da bạc màu. Các chủng phân lập được từ cá nhiễm bệnh đều có khuẩn lạc vàng, dạng rễ đặc trưng, bám sâu vào mặt thạch, vi khuẩn gram âm, dạng sợi, có tính di động. Sau khi giám định sinh hóa và sinh học phân tử 27 chủng vi khuẩn đại diện của 27 hộ nuôi (1 chủng/hộ) cho thấy các chủng phân lập được đều là vi khuẩn F. columnare. Kết quả cảm nhiễm một chủng đại diện bằng phương pháp ngâm xác định liều gây chết 50% (LD50) là 3,8×105 CFU/ml, cá cảm nhiễm biểu hiện các dấu hiệu điển hình của bệnh tương tự mẫu thu ngoài tự nhiên. Vi khuẩn F. columnare gây bệnh trên cá cá chép có tỷ lệ nhạy cao với 5/6 loại kháng sinh Doxycycline, Oxytetracycline, Amoxicillin, Florfenicol, Erythromycin trong khi tỷ lệ chủng kháng với hỗn hợp kháng sinh Sulfamethoxazole/Trimethoprim ở khá cao (25,9%). Kết quả nghiên cứu đã cung cấp thông tin quan trọng phục vụ chẩn đoán và là cơ sở để xây dựng biện pháp phòng và kiểm soát bệnh.
Tiếp đến, TS. Lê Việt Dũng báo cáo nội dung Ứng dụng công nghệ mới trong nuôi tôm. Công nghệ IoT (Internet of Things) trong nuôi tôm đã trở thành một giải pháp đột phá, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong các hệ thống nuôi tôm truyền thống, việc quản lý môi trường nước và sức khỏe tôm thường dựa vào kinh nghiệm và kiểm tra thủ công, dễ dẫn đến sai sót và chậm trễ. Với IoT, các thiết bị cảm biến và các test kits so màu bằng hình ảnh có thể đo lường các thông số quan trọng như nhiệt độ, pH, độ mặn, oxy hòa tan, và TAN, NO2, kiềm hàng ngày và cập nhật về app. Dữ liệu từ các cảm biến hoặc thiết bị đo này được truyền trực tiếp đến hệ thống trung tâm hoặc ứng dụng di động, giúp người nuôi có thể theo dõi tình trạng ao tôm mọi lúc mọi nơi. Các hệ thống thông minh còn tích hợp cảnh báo tự động khi các chỉ số vượt ngưỡng an toàn, cho phép người nuôi can thiệp kịp thời để giảm thiểu tổn thất. Bên cạnh đó, công nghệ IoT còn hỗ trợ tự động hóa việc cho ăn, sử dụng các thiết bị điều khiển thông minh để phân phối thức ăn một cách chính xác, giúp giảm lãng phí và cải thiện tăng trưởng của tôm. IoT cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu lịch sử, giúp tối ưu hóa quy trình nuôi và lập kế hoạch dài hạn. Nhờ đó, người nuôi không chỉ giảm được chi phí vận hành mà còn đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, hướng tới một ngành nuôi tôm bền vững và hiện đại.
Nội dung thứ ba được ThS. Lê Thị Cẩm Vân trình bày với những khái quát chung liên quan đến vấn đề tiêu thụ hàu sống và các mối nguy liên quan. Tuy nhiên, ăn hàu sống có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người do vi khuẩn Escherichia coli , Salmonella spp. và Vibrio tổng số gây ra. Vì vậy, cần phải xử lý sau thu hoạch để giảm mức độ ô nhiễm các vi khuẩn này trong hàu trước khi tiêu thụ. Công nghệ điện hóa siêu âm tạo ra dung dịch bong bóng nano tích điện ion âm có khả năng diệt khuẩn, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và thân thiện với môi trường. Nghiên cứu này đánh giá khả năng khử vi khuẩn của hàu Bồ Đào Nha ở các mức thế oxy hóa khử (ORP) khác nhau là 450, 600, 750 mV và so sánh với nước sạch (đối chứng) trong 24 giờ. Kết quả cho thấy mức ORP 750 mV có khả năng làm giảm mật độ vi khuẩn trong hàu mạnh nhất trong số tất cả các nghiệm thức và thời gian lấy mẫu. Mật độ tổng Vibrio, E. coli và Salmonella spp. giảm lần lượt là 1,14, 0,95 và 0,85 logCFU /g chỉ sau 16 giờ điều trị. Cần nhiều nghiên cứu hơn để tối ưu hóa quá trình làm sạch hàu bằng công nghệ điện hóa siêu âm.
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi trong hơn 1 giờ liên quan đến các nội dung trình bày dưới sự chủ trì của PGS.TS. Kim Văn Vạn. Buổi chia sẻ kết thúc vào 12h cùng ngày.
Một số hình ảnh hoạt động
Nhóm NCM Bệnh Thủy sản