Cục Thủy sản xác định mục tiêu năm 2025 phải giảm mạnh khai thác và tăng nuôi trồng để quyết tâm thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Chiến lược phát triển thủy sản, khi năm 2024 đã chưa giảm được khai thác.
Năm 2024 và mục tiêu năm 2025
Như Tép Bạc đưa tin, năm 2024, tổng sản lượng thủy sản 9,609 triệu tấn, đạt 104,2% kế hoạch, tăng 2% so với năm 2023 (9,379 triệu tấn). Trong đó, nuôi trồng 5,753 triệu tấn, vượt 1,03% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2023 (5,546 triệu tấn); khai thác 3,855 triệu tấn, vượt 8,9% kế hoạch, tăng 0,6% so với năm 2023 (3,832 triệu tấn). Như thế, khai thác không đạt chỉ tiêu đề ra là giảm 7,7% để còn 3,54 triệu tấn.
Cho nên năm 2025, Cục Thủy sản đặt mục tiêu phải giảm mạnh khai thác, tăng nuôi trồng để thực thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đã được Chính phủ đề ra. Với kết quả đến nay, để thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, rõ ràng, năm 2025 là thời gian phải tăng tốc, bứt phá để về đích. Kết quả giai đoạn này cũng tạo cơ sở thực hiện thắng lợi giai đoạn tiếp theo 2026 – 2030, hướng tầm nhìn năm 2045.
Cụ thể mục tiêu năm 2025 Cục Thủy sản đặt ra: Tổng sản lượng thủy sản hơn 9,6 triệu tấn, tương đương năm 2024. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,66 triệu tấn, giảm 5,2% so với năm 2024; sản lượng nuôi trồng hơn 5,95 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương năm 2024.
Về nuôi trồng năm 2025, tổng diện tích gần 1,33 triệu ha, tăng 2% so với năm 2024. Trong đó, nuôi nước ngọt 390.000 ha, tăng 2,6% so năm 2024 (năm 2024 là 380.000 ha); nuôi nước mặn và lợ 937.000 ha, tăng 1,8% so năm 2024 (năm 2024 là 920.000 ha). Riêng tôm nước lợ 750.000 ha, tăng 1,8% so năm 2024 (năm 2024 là 737.000 ha).
Thuận lợi và thách thức
Cục Thủy sản phân tích thuận lợi ở năm 2025: Trong nước, chính trị và kinh tế tiếp tục ổn định, tạo điều kiện để ngành thủy sản tăng trưởng cao. Các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện mục tiêu, giải pháp Chiến lược đang triển khai đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tổ chức bộ máy quản trị được tinh gọn, nâng cao hiệu quả điều hành. Ngoài nước, hợp tác quốc tế mở rộng tạo thêm cơ hội phát triển thị trường.
Để giảm khai thác cần giảm mạnh tàu thuyền khai thác biển, nhất là tàu thuyền nhỏ hoạt động gần bờ
Tuy nhiên, còn nhiều thách thức lớn. Biến đổi khí hậu với các diễn biến thời tiết khó lường và nguy cơ dịch bệnh sẽ gây ra những rủi ro không nhỏ. Nguồn lợi thủy sản tiếp tục suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Cảnh báo “thẻ vàng” của EC chưa được gỡ bỏ. Nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục thực sự ở nhiều thị trường.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh những thách thức để duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển đến năm 2030. Mục tiêu năm 2030 xuất khẩu từ 14-16 tỷ USD, có nghĩa hàng năm phải duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10-15%. Đây là điều không dễ dàng trong bối cảnh thị trường tiêu thụ thủy sản toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng hàng năm 5-6%.
Cần các giải pháp đồng bộ
Cục Thủy sản cho rằng, để đạt mục tiêu của năm 2025, cần triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành thủy sản thực hiện Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế thủy sản và chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị, chú trọng nuôi trồng. Tập trung phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Về phía doanh nghiệp và thị trường, VASEP cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu hai con số, cần tập trung duy trì các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và mở rộng các thị trường khác. Để mở thị trường mới, chú trọng phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khẳng định vị thế trên bản đồ thủy sản toàn cầu. Xây dựng các mô hình tăng trưởng mới, phù hợp với điều kiện kinh tế và môi trường thay đổi.
Lãnh đạo VASEP cũng thống nhất xác định nuôi trồng là mũi nhọn chiến lược, đặc biệt phát triển các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, làm nguồn cung nguyên liệu chính để phát triển xuất khẩu, đảm bảo tăng trưởng bền vững. Cần ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để có sản phẩm phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn. Chính sách nhà nước cần hỗ trợ việc kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và phát triển hạ tầng logistics để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Khoa Thuỷ sản sưu tầm