Hướng bền vững là làm ra sản phẩm chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Từ đây cũng lộ rõ các hạn chế của ngành tôm nước ta hiện nay. Đồng thời, cho thấy những chuyển động tích cực theo hướng bền vững của doanh nghiệp và người nuôi mà bài viết sau đây cung cấp ví dụ cụ thể.
_1739420655.jpg)
Xu hướng tiêu dùng thủy sản toàn cầu
Theo nghiên cứu về thị trường thủy sản toàn cầu của Innova Market Insights, đang có 5 yếu tố quan trọng thúc đẩy xu hướng tiêu dùng thủy sản. Trong đó, hàng đầu là yếu tố bền vững và đạo đức. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường, chọn sản phẩm phát triển bền vững. Bảo vệ thiên nhiên và giảm dấu chân carbon là những hành động hàng đầu mà người tiêu dùng mong muốn ở các thương hiệu.
Đáp lại, các thương hiệu thủy sản đang nhấn mạnh cam kết bền vững. Ví dụ, thương hiệu tôm sú Naturkind Garnelon nêu cao vai trò bảo vệ bờ biển và nguồn nước biển, trong khi hãng rong biển Sea Man kiên quyết nói không với rác thải nhựa đại dương. Sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thủy sản có dấu chân carbon thấp là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất phải chú trọng đến tính bền vững trong sản phẩm.
Tiếp theo, 4 yếu tố khác thúc đẩy xu hướng tiêu dùng thủy sản là: Dinh dưỡng và sức khỏe; Thương hiệu và xuất xứ; Công nghệ và tiện lợi; Gen Z và sức mua.
Với yếu tố Thương hiệu và xuất xứ: Người dân châu Âu và Mỹ ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm. Cho nên, nhiều hãng thủy hải sản phải công bố thông tin chi tiết về nguồn cung ứng, phương pháp khai thác, nuôi trồng cùng với nỗ lực phát triển bền vững. Liên minh Tiêu chuẩn Thế giới (WBA) đánh giá xu hướng này định hình thị trường thủy sản toàn cầu năm 2024 và các năm sau.
Tại Anh, Marks & Spencer đã đảm bảo gần 60.000 tấn hải sản được sử dụng hàng năm trên toàn hệ thống có nguồn gốc minh bạch. Người tiêu dùng có thể sử dụng bản đồ tìm kiếm nguồn cung ứng hải sản để nắm bắt thông tin về nguồn gốc sản phẩm, cách thức đánh bắt và chứng nhận quốc tế của sản phẩm đó.
Doanh nghiệp chia sẻ vấn đề lớn nhất của ngành tôm
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) ở tỉnh Sóc Trăng là doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam đảm bảo minh bạch sản phẩm với chuỗi nuôi trồng-chế biến xuất khẩu. Năm 2015, Sao Ta bị đưa vào danh sách điều tra chống bán phá giá tôm ở Mỹ nhưng có sổ sách minh bạch nên được Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa mức thuế chống bán phá giá từ 5% về 0%. Hiện nay, Sao Ta xuất khẩu hàng năm hơn 250 triệu USD vào thị trường chính là Nhật Bản và Hoa Kỳ đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, minh bạch.
Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng dư lượng hóa chất và kháng sinh
Chủ tịch HĐQT Công ty là Tiến sỹ Hồ Quốc Lực chia sẻ với báo chí: “Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng dư lượng hóa chất và kháng sinh trong tôm thương phẩm. Đây là rủi ro lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và khả năng cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện nay, các thị trường lớn như EU, Mỹ và Nhật Bản đều có quy định rất nghiêm ngặt về việc sử dụng hóa chất và kháng sinh trong thực phẩm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc kiểm soát vấn đề này vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn tôm giống đôi khi mang mầm bệnh, còn nguồn nước nuôi lại tiềm ẩn vi khuẩn hoặc hóa chất chưa xử lý hết, khiến ao nuôi dễ gặp rủi ro. Khi tôm nhiễm bệnh, người nuôi thường phải dùng kháng sinh để cứu ao. Tuy nhiên, việc này dẫn đến tình trạng dư lượng kháng sinh trong tôm, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”.
Để giải quyết, Tiến sỹ Hồ Quốc Lực kiến nghị: “Đầu tiên, ngành chức năng phải kiểm soát nghiêm ngặt danh mục hóa chất và kháng sinh được phép sử dụng, đồng thời ngăn chặn các loại không được phép lưu hành. Thứ hai, cần tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn người nuôi nhận biết bệnh, sử dụng thuốc đúng cách và đảm bảo đủ thời gian để tôm đào thải hết dư lượng trước khi thu hoạch. Cuối cùng, ngành cần khuyến khích áp dụng các giải pháp sinh học và công nghệ tiên tiến, thay thế cho kháng sinh. Nếu làm tốt những điều này, chúng ta không chỉ giữ vững các thị trường xuất khẩu mà còn giúp ngành tôm phát triển bền vững hơn”.
Vùng tôm-lúa phát triển chứng nhận quốc tế
Vùng nuôi tôm tại nhiều địa phương đã và đang tập trung phát triển diện tích đạt chứng nhận quốc tế để tăng lợi thế cạnh tranh. Đơn cử huyện Thới Bình có diện tích tôm-lúa trên 20.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích tôm-lúa toàn tỉnh Cà Mau. Lợi ích lớn nhất khi đạt chứng nhận quốc tế là giải quyết được vấn đề nuôi tôm không bền vững cho các hộ quy mô nhỏ, giảm tác động tiêu cực tới môi trường, thay đổi những thói quen không phù hợp để phát triển chuỗi sản xuất ổn định. Những diện tích này gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo cuộc sống cho người sản xuất, cũng đảm bảo hướng bền vững cho ngành tôm.
Hiện nay, huyện Thới Bình đã có 2.656,78 ha nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế. Gồm đạt ASC Group ở xã Trí Lực 987,58 ha và xã Trí Phải 972,4 ha; xã Biển Bạch Ðông đạt BAP 696,8 ha. Sản phẩm tôm được các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đón nhận.
Mục tiêu năm 2025, huyện phát triển thêm 1.000 ha nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế. Bên cạnh, phát triển gần 2.000 ha nuôi tôm theo quy trình hữu cơ/hướng hữu cơ. Khi đạt chứng nhận quốc tế, doanh nghiệp thu mua hỗ trợ thêm cho người dân 3.000 đồng/kg tôm nguyên liệu nên người dân tích cực tham gia.
Ðể đạt các mục tiêu, huyện chú trọng 3 nội dung: Phát triển hợp tác sản xuất để xây dựng vùng nuôi tôm tập trung và liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Hợp tác với các viện, trường, tổ chức quốc tế để ứng dụng các giải pháp, tiến bộ khoa học – kỹ thuật nuôi tôm. Tranh thủ các nguồn lực để triển khai kế hoạch và quảng bá thương hiệu tôm đạt chứng nhận quốc tế ra thị trường.
Nguồn: https://tepbac.com/tin-tuc/full/nganh-tom-chuyen-dong-huong-ben-vung-37555.html