Quản lý tài nguyên nước thông minh phát triển thủy sản

Mới đây, lãnh đạo Bộ NN&MT làm việc với Viện Khoa học Tài nguyên Nước về khoa học công nghệ và lĩnh vực liên quan đến phát triển thủy sản trên sông, hồ chứa đã đề cập vấn đề quản lý tài nguyên nước thông minh. Đây là vấn đề thời sự đang được nỗ lực thực hiện ở một số địa phương.

Lồng bè
Quản lý tài nguyên nước thông minh là quản lý tổng thể nguồn cung và cầu, từ đó có giải pháp lâu dài

Quản lý tổng thể cung-cầu để có giải pháp tối ưu 

Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên Nước cho biết, thời gian qua đã ứng dụng công nghệ viễn thám để lập bản đồ các vùng nuôi trồng thuỷ sản và tính toán nhu cầu nước nuôi trồng thuỷ sản của các tỉnh ĐBSCL. Tính toán làm cơ sở xây dựng giải pháp trữ nước cho các đối tượng vào mùa khô, đặc biệt những năm khô hạn. Bên cạnh, nghiên cứu giải pháp sử dụng tuần hoàn tài nguyên nước để tăng hiệu quả sử dụng và bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi công nghiệp.

Viện cũng đã đề xuất một số hướng nghiên cứu liên quan đến phát triển thủy sản trên sông và hồ chứa. Cụ thể như hướng tới chính sách dịch vụ chi trả môi trường nước, ứng dụng IoT và AI trong quan trắc tự động hỗ trợ đánh giá rủi ro, giám sát và tối ưu quy trình tuần hoàn, tái sử dụng nước trong nuôi trồng thủy sản. 

Lãnh đạo Bộ NN&MT cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện đến nuôi trồng thủy sản. Tài nguyên nước là yếu tố đầu vào thiết yếu của nuôi trồng thủy sản nên cần phải có nghiên cứu tổng thể, chuyên sâu về nhu cầu sử dụng nước, từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý. Đặc biệt đang cần những giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước trong nuôi trồng.

Quản lý tài nguyên nước thông minh là quản lý tổng thể nguồn cung và cầu, từ đó có giải pháp lâu dài, hiệu quả đảm bảo sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước quốc gia. Công tác nghiên cứu cần tầm nhìn xa, đồng thời kế thừa và phát triển những gì đã có để giữ được giá trị lâu dài. Kết quả cuối cùng là sự tổng hòa nỗ lực từ nhiều phía, đưa ra các giải pháp tối ưu nhất để phát triển thủy sản. 

Quan trắc môi trường nước ở tỉnh nhiều sông, hồ

Tỉnh Đồng Nai có diện tích mặt nước lớn nhất vùng Đông Nam Bộ với hệ thống sông ngòi dày đặc và nhiều hồ chứa thủy lợi. Có thể kể tên gần 60 con sông lớn nhỏ mà riêng các sông Đồng Nai, La Ngà, Thị Vải đã có diện tích gần 70.000 ha mặt nước, tạo nên hệ sinh thái đa dạng với nguồn lợi thủy sản phong phú. Bên cạnh là 18 hồ chứa thủy lợi, có hồ nổi tiếng như Trị An rộng 32.000 ha giàu tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Nguồn lợi thủy sản nước ngọt và nước lợ đều lớn với hàng trăm loài cá tôm, trong đó có 17 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Lồng bè

Một góc làng cá bè trên sông Cái 

Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường nước ngày càng nghiêm trọng, có nguy cơ khó kiểm soát. Nguyên nhân chính do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và công nghiệp, cùng nuôi trồng thủy sản không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản, bên cạnh là biến đổi khí hậu. 

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Đồng Nai đã chú trọng quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Từ cơ sở này, nâng cao việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, giảm nguy cơ dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản, cùng các hoạt động kinh tế khác. 

Chú trọng quan trắc các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, có chung nguồn nước cấp, phù hợp quy hoạch; những nơi thường xảy ra dịch bệnh hoặc nguy cơ ô nhiễm môi trường. Cụ thể là vùng nuôi thâm canh và bán thâm canh có diện tích từ 10 ha trở lên, nuôi hình thức khác từ 200 ha trở lên và nuôi lồng bè từ 1.000 m3 trở lên.

Những vùng được tập trung như khu vực ngập mặn ở Long Thành – Nhơn Trạch có mặt nước nuôi trồng thủy sản nước lợ 1.669 ha, với nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú thâm canh 333 ha; Điểm quan trắc tại các vị trí xã Phước An (hợp lưu sông Thị Vải, Đồng Kho, Đồng Tranh, Tắc Nha Phương, Tắc Ông Trúc), xã Phước Thái và Long Phước (sông Thị Vải). Khu vực trên sông Cái và trên hồ Trị An, mỗi nơi có hàng nghìn lồng bè nuôi cá thường ẩn chứa nguy cơ ô nhiễm. Quan trắc môi trường khu vực cấp nước cho vùng nuôi tập trung các đối tượng chủ lực, có giá trị kinh tế như cá chép, lăng, rô phi, điêu hồng; nuôi tôm thẻ, tôm sú, hàu… 

Kết quả quan trắc được thông báo định kỳ một tháng 2 lần. Vào các tháng tập trung vụ nuôi, mưa lũ và thời điểm nhạy cảm, giao mùa hoặc khi môi trường, thời tiết có những diễn biến bất thường, tần suất lấy mẫu và chỉ tiêu quan trắc được tăng cường.

Thông tin quan trắc môi trường được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và cung cấp đến các đơn vị liên quan để phối hợp bảo vệ môi trường nước; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Sở NN&MT có cán bộ chuyên môn phối hợp cán bộ địa phương kịp thời thông báo diễn biến tình hình môi trường đến người nuôi trồng thủy sản, khuyến cáo biện pháp ứng phó phù hợp. Nhờ đó, từ năm 2023 đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường dần được ngăn ngừa, nguồn tài nguyên nước được chủ động quản lý tốt hơn phục vụ nuôi trồng thủy sản.