Những ngày qua, nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ trong nước tăng lên, các chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao theo đó bị phân hủy mạnh. Quá trình phân hủy chất hữu cơ không chỉ tiêu hao nhiều oxy hòa tan trong nước mà còn thải ra các khí độc ở đáy ao khuyếch tán vào nước gây ngộ độc cho động vật thủy sản. Mặt khác, nắng nóng trong thời gian dài còn tạo điều kiện cho các loại tảo trong ao phát triển mạnh làm giảm hàm lượng oxy hòa tan trong nước vào ban đêm và sáng sớm. Để chủ động phòng chống, hạn chế hiện tượng cá, tôm chết do nắng nóng, dịch bệnh, ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ nuôi trồng thủy sản cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp kỹ thuật, bảo vệ an toàn cho đàn thủy sản nuôi trong mùa nắng nóng.
Nguồn thức ăn cho tôm phải đảm bảo chất lượng
Diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho thủỷ sản nuôi. Cho tôm ăn vào sáng sớm và chiều mát. Giảm 30-40% lượng thức ăn cho tôm vào những ngày nắng nóng trên 35°C. Ngừng cho ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39°C.
Mặt khác, cần có biện pháp chống xói lở bờ ao và ngăn nước mưa kéo theo các chất thải hữu cơ xuống ao (trên bờ ao nên có rãnh thoát cùng hệ thống hố ga). Rải vôi quanh bờ ao trước khi trời mưa để tránh hiện tượng giảm pH đột ngột trong ao nuôi. Đảm bảo pH nước ao nuôi từ 7,5 -8,5 là tốt nhất. Mật độ nuôi vừa phải, không nên nuôi dày để dễ chăm sóc và quản lý ao nuôi. Đối với tôm sú nuôi bán thâm canh, quảng canh cải tiến mật độ thả từ 3-8 con/m2.
Đối với tôm thẻ chân trắng nên nuôi hai, ba giai đoạn: giai đoạn ương thả với mật độ từ 300 – 500 con/m2, sau 20-25 ngày chuyển sang ao nuôi mật độ từ 50 – 80con/m2. Trường hợp có bể nổi (ương giai đoạn 1) hoặc có khung nhà bạt (phủ lưới đen) thì tăng mật độ lên, tùy theo điều kiện của mỗi hộ có thể ương nuôi mật độ khác nhau, giai đoạn 1 từ 800 -1.200 con/m2, giai đoạn 2 từ 300 – 500con/m2; giai đoạn 3 từ 100 – 150con/m2.
Định kỳ theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi; kiểm soát chất thải hữu cơ trong ao; tăng cường sức đề kháng cho tôm trong giai đoạn thời tiết bất lợi bằng cách bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta glucan, vitamin…, định kỳ 2 lần/tháng theo hướng dẫn nhà sản xuất, mỗi lần cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày. Cần sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng và các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong danh mục được phép lưu hành trong nuôi trồng thủy sản để xử lý môi trường, phòng, chữa bệnh, quản lý sức khỏe tôm nuôi.
Trong quá trình nuôi, khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường, nghi ngờ nhiễm bệnh, hoặc có hiện tượng chết bất thường trong ao nuôi, người nuôi phải báo ngay cho các hộ xung quanh và cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản gần nhất để được hướng dẫn và xử lý kịp thời, tránh hiện tượng lây lan bệnh trong vùng nuôi. Tuyệt đối không xả nước chưa qua xử lý hoặc tôm chết ra ngoài môi trường, chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.
Mật độ tôm nuôi cần vừa phải, không nên nuôi dày để thuận lợi cho công tác chăm sóc, quản lý ao nuôi
Nuôi cá lồng bè trên sông cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để lưu thông nước, giảm vật bám, tăng oxy hòa tan trong nước. Đảm bảo độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5-3,0 m. Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm và chiều mát. Khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho cá ăn khi môi trường nước trên 39°C.
Nuôi cá lồng bè trên biển cần thường xuyên kiểm tra, gia cố hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lưới lồng sạch sẽ, thông thoáng, giãn cách giữa các bè nuôi tối thiểu từ 20m để thoát nước; treo túi thuốc tím hoặc TTCA hoặc vôi đầu dòng chảy định kỳ để phòng bệnh cho cá. Bên cạnh đó cần tăng cường cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn cho cá. Bố trí neo đậu bè nuôi theo quy hoạch và tuân thủ nghiêm các yêu cầu về phòng chống lụt bão của thành phố. Khi môi trường biến động cần di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, có điều kiện môi trường phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cá nuôi.
Khi thời tiết nắng nóng hoặc chuyển mùa, cần che lưới trên bề mặt lồng nuôi, hạ lồng đến mức nước phù hợp. Đồng thời, tăng cường quạt nước vào thời điểm từ 10h-18h để tránh phân tầng nhiệt độ nước, tăng cường oxy hòa tan ở tầng đáy; quạt nước, sục khí từ 2h đêm đến 4h sáng để tránh thiếu oxy hòa tan trong nước. Thay thế dần thức ăn cá tạp bằng thức ăn công nghiệp, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung cho cá ăn các loại thức ăn giàu đạm, định kỳ 2 lần/tháng bổ sung men vi sinh, vitamin C trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng 2-5g/100kg cá nuôi.
Đối với vùng nuôi nhuyễn thể (ngao) bãi triều, vào thời điểm nắng nóng, đối với các bãi ngao/nghêu nằm ở vùng cao triều, thời gian phơi bãi quá 4h/ngày cần san thưa mật độ và cào ngao/nghêu đến vùng thấp hơn, thu gom xác ngao chết để hạn chế lây lan dịch bệnh.Thu tỉa khi ngao/nghêu đạt kích cỡ thu hoạch; đối với ngao/nghêu nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch tiến hành kiểm tra mật độ để có kế hoạch chủ động san thưa, đảm bảo mật độ nuôi từ 180-200 con/m2 đối với cỡ ngao/nghêu từ 400-600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ ngao/nghêu từ 500-800 con/kg; 250 – 350 con/m2 đối với cỡ ngao/nghêu từ 800-2.000 con/kg.
Hạn chế thả giống vào thời điểm nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài. Đối với ngao đạt cỡ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch tránh thiệt hại xảy ra do điều kiện thời tiết nắng nóng, phức tạp. Nếu phát hiện trường hợp ngao chết cần có biện pháp thu gom, xử lý để tránh ảnh hưởng đến môi trường…
Bình Huệ
Nguồn: https://anhp.vn/