Việc kiểm tra và theo dõi sức khỏe tôm hàng ngày là điều không thể thiếu của người nuôi. Khi tôm bị bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu bên ngoài hoặc bên trong cơ thể chúng. Hãy cùng tìm hiểu qua một số dấu hiệu để nhận biết tôm không khỏe dưới đây nhé!
Việc kiểm tra và theo dõi sức khỏe tôm hàng ngày là điều quan trọng
Khi tôm mắc phải các bệnh do nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh như virus đốm trắng, virus IHHNV, bệnh mềm vỏ, đen mang, nấm,… sẽ được biểu hiên trực tiếp trên cơ thể tôm qua các dấu hiệu khác thường.
Các dấu hiệu biểu hiện trên cơ thể tôm
Dấu hiệu bên ngoài cơ thể
– Tôm chuyển màu hơi xanh da trời (có thể do nhiễm MBV).
– Thân hoặc các phụ bộ có màu đỏ (bệnh đỏ thân do virus GAV và bội nhiễm các virus khác hoặc do vi khuẩn).
– Vỏ tôm bị mềm (bệnh mềm vỏ).
– Vỏ tôm có màu hơi xanh lá cây và bị nhớt (có thể do nhiễm ký sinh trùng Protozoa).
– Thân tôm có màu trắng đục cơ (bệnh bông vải).
– Bên trong đầu hơi vàng và có mùi hôi khi bóc ra (bệnh virus đầu vàng).
– Vỏ có những đốm màu trắng (virus đốm trắng, hoặc virus IHHNV hoặc vi khuẩn).
– Các đốm đen trên vỏ (bệnh vi khuẩn).
Đây là các dấu hiệu ảnh báo các loại bệnh phổ biến và khá nguy hiểm cho tôm, một khi tôm đã mắc bệnh, tỷ lệ hồi phục, thậm chí là phải hủy cả lứa nuôi này. Đặc biệt là bệnh đốm trắng, nếu người nuôi có các ao nuôi gần kề nhau, chúng có thể sẽ bị lây lan một cách nhanh chóng và khó kiểm soát.
Tôm bị bệnh đốm trắng
Dấu hiệu bên trong cơ thể
– Mang có màu đen hoặc nâu (bệnh đen mang).
– Mang có các sợi nấm (bệnh nấm).
– Mang có màu hơi xanh lá cây (nhiễm ký sinh trùng Protozoa).
– Đường ruột trống rỗng, không có thức ăn (nhiễm vi khuẩn Vibrio).
Đây là các dấu hiệu mà người nuôi có thể nhận biết dễ dàng bằng mắt thường. Khi tôm có các dấu hiệu trên cần phải tiến hành ngay các biện pháp xử lý để đảm bảo không thiệt hại nặng cho vụ nuôi.
Thức ăn thừa
Sức ăn là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá sức khỏe của tôm nuôi. Nếu lượng thức ăn trong ngày còn thừa quá nhiều là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tôm trong ao đang nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hiện tượng tôm bỏ ăn có thể do nhiều yếu tố khác nhau như: môi trường thay đổi, tôm bị stress…
Trong bất cứ trường hợp nào thì cần chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh để thức ăn thừa làm ô nhiễm môi trường. Thông qua sàng ăn có thể đánh giá được tình trạng phân, nếu phân tôm dài, không bị đứt đoạn là tôm sinh trưởng, phát triển tốt.
Sinh vật bám trên tôm
Tôm có sinh vật bám bên ngoài vỏ có thể là do bacteria, protozoans, hoặc tảo. Hai nguyên nhân đầu là do nước có hàm lượng chất hữu cơ cao. Trong mọi trường hợp tôm bị sinh vật bám đều cho thấy tôm chậm lớn và khó lột xác.
Một trong những dấu hiệu thông thường nhất của sức khỏe kém là hiện tượng đóng rong hoặc sự phát triển của các vi sinh vật trên bề mặt cơ thể tôm. Khi các sinh vật bám trên vỏ, chúng thường có khuynh hướng thu gom những chất vẩn cặn và bề ngoài của tôm thường có màu xanh rêu hoặc bùn.
Tôm mắc bệnh đen mang. Ảnh: grist
Nếu tôm khỏe thì chúng có thể tự làm sạch cơ thể đều đặn và sau khi lột xác thì hiện tượng đóng rong sẽ mất đi nhưng đối với tôm yếu thì sự tự làm sạch và lột xác kém thường xuyên hơn. Nước ao nuôi bẩn thì ngoài sự ảnh hưởng tới sức khỏe tôm, còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho các sinh vật gây bệnh và vì vậy làm tăng sự phát triển của sinh vật bám trên cơ thể tôm.
Ngoại hình tôm thay đổi
Có thể nhận biết dấu hiệu bệnh trên tôm một cách chính xác thông qua các đặc điểm về ngoại hình. Nếu màu sắc thân tôm, mang đổi màu, tôm bị cong thân, đục cơ, mềm vỏ (ngoài giai đoạn lột xác), phồng rộp là một trong những biểu hiện đặc trưng của tôm bị nhiễm bệnh. Người nuôi có thể dựa vào một số dấu hiệu điển hình như sau:
– Đốm đen trên vỏ tôm: Những đốm đen trên vỏ tôm do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân phổ biến là bệnh đốm đen do vi khuẩn (vỏ tôm nhám, phụ bộ bị ăn mòn, râu bị cụt), đốm đen do virus đi kèm với gan tụy vàng hơn bình thường. Ngoài ra tôm bị đen mang do những tổn thương vật lý.
– Thay đổi màu sắc phụ bộ và sắc tố: Cơ bụng và cơ đuôi trắng đục có thể có hiện tượng hoại tử và đỏ ở các vùng cơ này là biểu hiện của bệnh hoại tử cơ (IMNV) trên tôm. Còn tôm chỉ có chân đuôi đỏ thì thường do Taura và vi khuẩn. Ngoài ra chân bơi và chân bò của tôm có màu đen, nâu đen hoặc tái nhợt thì do môi trường ô nhiễm.
– Tôm bị mềm vỏ: Có ba nguyên nhân chính gây mềm vỏ tôm nuôi: thiếu khoáng, nhiễm virus và giai đoạn mãn tính (tôm 2 – 3 g mắc bệnh vi bào tử trùng cũng có hiện tượng vỏ mềm).
– Màu sắc mang thay đổi: Đen mang chủ yếu là do nền đáy ao nuôi bị nhiễm bẩn tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm hoặc nguyên sinh động vật phá hủy; vàng mang có thể do virus bệnh đầu vàng (kết hợp vàng gan) hoặc do ao nuôi bị xì phèn, mang đỏ do thiếu ôxy.
Đục cơ kết hợp với cong thân thì nguyên nhân chủ yếu do môi trường, cơ tôm có màu trắng đục và có các điểm hoại tử nhỏ ở phần đuôi là biểu hiện của bệnh do virus, ngoài ra bệnh mảng trắng do vi khuẩn Bacillus cereus cũng làm xuất hiện các mảng trắng đục trên thân tôm.
Đen mang chủ yếu là do nền đáy ao nuôi bị nhiễm bẩn tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm. Ảnh: sando.com.vn
– Gan, tụy: Khi tôm bị nhiễm bệnh thì màu sắc và hình dáng của gan, tụy có thể thay đổi. Gan có thể bị teo, chai và dai, gan có màu vàng, đỏ hay đen. Đây là dấu hiệu cho thấy tôm đang mắc các chứng bệnh về gan, tụy.
– Cơ thể tôm biến dạng: Tôm vểnh mang (chủ yếu do vi khuẩn), tôm bị cong thân kết hợp đục cơ (do thiếu khoáng và stress), cơ thể dị hình chủy đầu, phụ bộ, sống lưng là triệu chứng tôm nhiễm bệnh nhiễm trùng virus dưới da và hoại tử (IHHNV).
Đường ruột tôm
Thông qua lượng thức ăn trong ruột tôm để đánh giá tình trạng sức khỏe tôm nuôi. Nếu thức ăn trong ruột tôm đầy, chứng tỏ tôm đang phát triển tốt, nếu đường ruột tôm ngắn hoặc bị đứt đoạn thì cho thấy tôm trong ao nuôi có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc lượng thức ăn không đủ theo nhu cầu của tôm.
Màu sắc đường ruột cũng đánh giá được sức khỏe của tôm nuôi. Thông thường tôm khỏe, tiêu hóa thức ăn tốt, đường ruột có màu của thức ăn công nghiệp là màu vàng hoặc vàng sáng. Nếu đường ruột của tôm có màu đỏ, hồng là màu của xác tôm chết, chứng tỏ trong ao nuôi có tôm đang mang bệnh.
Đường ruột của tôm có màu tái nhợt hay trắng đục là khi đường ruột của tôm bị rỗng, không có thức ăn. Dấu hiệu này cho thấy tôm đang nhiễm bệnh, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh.
Khi ao nuôi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bà con hãy nên đưa tôm đi đến các phòng xét nghiệm tại khu vực địa phương để kiểm tra, nhanh chóng tìm ra bệnh và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Khoa Thủy sản sưu tầm