Mỹ, Trung Quốc ‘đua nhau’ mua tôm, cua, cá từ Việt Nam

3 tháng đầu năm nay, Mỹ, Trung Quốc tăng mua tôm, cá, cua từ Việt Nam, nhờ đó xuất khẩu thủy sản khởi sắc hơn.

 
3 tháng đầu năm nay Mỹ, Trung Quốc 'đua nhau' mua tôm, cua, cá từ Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
3 tháng đầu năm nay Mỹ, Trung Quốc ‘đua nhau’ mua tôm, cua, cá từ Việt Nam – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thông tin này được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và một đơn vị về tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản và các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị giải pháp tháo gỡ của doanh nghiệp thủy sản.

Theo Vasep, hết quý 1, xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỉ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất.

Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD.

Riêng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý 1 tăng 15%, xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13-53%.

Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang hồi phục, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.

Theo Vasep, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã công bố kết quả cuối cùng cho đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 2021 đến 2022.

Mức thuế cuối cùng cho POR19 đã được ấn định ở mức 0,18 USD/kg đối với 5 công ty. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với những POR trước đó.

Đối với xuất khẩu sang Nhật Bản trong quý 1 năm nay vẫn duy trì mức tương đương năm trước.

Trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc – Hong Kong tăng 15%. Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc.

Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý 1 năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

“Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý 1, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ” – Vasep thông tin.

Thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang những thị trường này đều tăng trưởng dương, sang EU tăng 27%, sang Hàn Quốc tăng 15%…

Nhìn chung, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực đều khá tích cực, sang Mỹ tăng 30%, sang Nhật Bản tăng 9%…

Kiến nghị bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc

Theo Vasep, hiện lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đã vượt xa mức hạn ngạch cho phép (15.000 tấn/năm, thuế nhập khẩu 0%).

Do đó, Vasep kiến nghị Thủ tướng và Bộ Công Thương quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc, trong khuôn khổ Hiệp định thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm nay 2024.

Vasep cũng cho biết hiện việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy ở nhiều nơi đang kéo dài, nhiều lô đến 2-3 tháng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Do đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thay đổi quy định và cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác ngay cho chủ hàng, khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng… tại cảng cá.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về chiến lược tam ngư, cấu trúc lại ngành thủy sảnBộ trưởng Lê Minh Hoan nói về chiến lược tam ngư, cấu trúc lại ngành thủy sản

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phía trước ngành thủy sản là hải trình hướng đến mục tiêu vì một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập, vì thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau.