Phòng chống dịch bệnh trên tôm: Cuộc chạy đua công nghệ

Ngành tôm đang chứng kiến cuộc cách mạng với những đột phá công nghệ trong kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ giảm thiệt hại, mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh tôm Việt trên thị trường quốc tế.

                                  Dịch bệnh trên tôm nuôi thời gian qua diễn biến phức tạp

Trong 3 tháng đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tổng diện tích nuôi thủy sản phát sinh dịch bệnh trong khoảng thời gian này đạt 541 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm bị bệnh chiếm trên 474 ha. Các bệnh chủ yếu xuất hiện trên tôm bao gồm: bệnh Đỏ thân, Đốm trắng (WSSV), Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và Vi bào tử trùng (EHP). Đặc biệt, một số địa phương còn phát hiện bệnh mới gây Mờ đục hậu ấu trùng (TPD) trên tôm, làm tăng thêm mức độ lo ngại về tình hình dịch bệnh.

Bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính là một trong những bệnh nghiêm trọng, tiếp tục bùng phát tại 40 xã thuộc 13 huyện, thị xã của 6 tỉnh, thành phố với tổng diện tích có tôm mắc bệnh là 90 ha. Mặc dù, phạm vi dịch bệnh đã tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, nhưng diện tích bị ảnh hưởng lại giảm 46,5%. Trong đó, tỉnh Trà Vinh ghi nhận diện tích dịch bệnh phát sinh lớn nhất với hơn 34 ha.

“Gánh trên vai” cùng lúc nhiều dịch bệnh

Tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh từ Bắc vào Nam đều ghi nhận xuất hiện nhiều dịch bệnh trên tôm với mức độ thiệt hại đáng lo ngại.

Tại Thái Bình, tính đến ngày 21/5/2024, bệnh Đốm trắng đã lan rộng tại 244 ao tôm ở các xã Đông Minh (Tiền Hải), Thụy Trường, Thụy Hải, Thụy Xuân (Thái Thụy) với diện tích 148.539m² và 469,8 vạn con giống. Riêng tại Thái Thụy, bệnh Đốm trắng đã gây thiệt hại 181 vạn con tôm giống. Người nuôi tôm tại đây ghi nhận tôm có biểu hiện kém ăn đột ngột, sau đó bỏ ăn, bơi lờ đờ ở mặt nước và dạt vào bờ.

Tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), tình trạng tôm bị chết xuất hiện sau khoảng 15-20 ngày được thả nuôi, đặc biệt tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm và Hiền Thành. Tôm chết tại Vĩnh Sơn ghi nhận trên diện tích khoảng 60-70ha. Một số mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh Đốm trắng và Hoại tử gan tụy cấp tính, tuy nhiên, nhiều hộ tự xử lý và không phối hợp lấy mẫu nên không xác định được nguyên nhân cụ thể. 

Tương tự, tại Sóc Trăng, theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, tính đến giữa tháng 5/2024, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt trên 13.700 ha, trong đó có trên 300 ha bị thiệt hại. Hơn 50% diện tích thiệt hại do một số dịch bệnh như: Hoại tử gan tụy cấp, Đốm trắng, Phân trắng và EHP. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2024, ngành thủy sản Sóc Trăng nhận được thông tin xuất hiện bệnh TPD trên vùng nuôi. Kết quả giám sát vùng nuôi đã phát hiện nhiều ao chết bất thường, chết nhanh ở giai đoạn tôm 3-7 ngày tuổi.

Từ đầu năm 2024 đến nay, gần 3.000 ha tôm nước lợ tại Kiên Giang đã bị thiệt hại do sốc môi trường và nhiễm bệnh. Tại huyện An Minh, nơi có diện tích thiệt hại nhiều nhất tỉnh, bệnh Đốm trắng và Hoại tử gan tuỵ cấp tính đã gây thiệt hại trên 1.380 ha. Bệnh TPD mới xuất hiện trên tôm giống cũng đã xuất hiện tại 1 hộ nuôi ở xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên), thông qua triệu chứng lâm sàng đã tiêu hủy toàn bộ tôm trong ao vèo khoảng 600.000 post.

Tại Cà Mau, bệnh TPD đã xuất hiện và gây thiệt hại nghiêm trọng. Tại huyện Năm Căn, từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024, 9 hộ nuôi trên diện tích 2 ha ghi nhận tỷ lệ tôm chết lên đến 80-90%. Tình trạng này tiếp tục xảy ra tại huyện Đầm Dơi trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2024, với tỷ lệ chết cao trên 90%.

Cuộc chạy đua công nghệ trong quản lý dịch bệnh

Đứng trước những thách thức về dịch bệnh, việc tìm kiếm giải pháp từ ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh nuôi tôm đã trở thành một phần không thể thiếu. Các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đang nỗ lực từng ngày để tạo ra những sản phẩm, giải pháp cải thiện nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh và uy tín của sản phẩm tôm Việt trên thị trường quốc tế.

Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thủy sản nhận định, tôm đã phát bệnh thì không thể điều trị. Phòng bệnh là giải pháp chính, giúp người nuôi hạn chế thiệt hại, thông qua việc xử lý nguồn nước thật kỹ, lựa chọn con giống chất lượng tại những đơn vị uy tín.

Gửi mẫu phân tích về phòng thí nghiệm là một trong những phương pháp xác định tình trạng sức khỏe của tôm hiện nay

Hiện nay, các hộ nuôi tôm chủ yếu xác định tình trạng sức khỏe của tôm dựa vào kinh nghiệm hoặc gửi mẫu về các phòng thí nghiệm (phòng LAB) để xác định. Tuy nhiên, những phương pháp này có nhược điểm là mức độ chính xác thấp, mất nhiều thời gian và không thuận tiện cho các hộ nuôi ở vùng nông thôn.

Gần đây, một số hộ nuôi tôm ở các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu và Cà Mau đã biết đến và thử nghiệm bộ công cụ RAPID, giúp chẩn đoán và theo dõi mức độ mầm bệnh trong ao nuôi. Đây là công trình nghiên cứu của một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp – Forte Biotech. Bộ sản phẩm RAPID có khả năng tự xét nghiệm và đưa ra những kết quả tương đối chính xác đối với ba loại bệnh phổ biến trên tôm nước lợ là WSSV, EHP và AHPND.

Ngoài phương pháp trên, các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hệ thống lọc tuần hoàn (RAS) phù hợp với điều kiện vùng ven biển Hải Phòng”. Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn sinh học và tăng cường tỷ lệ sống, tăng năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Trong quá trình nuôi thử nghiệm, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng thêm 4 loại chế phẩm sinh học nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước và tăng khả năng sinh trưởng của tôm, bao gồm: chế phẩm chứa chủng vi khuẩn Bacillus được sử dụng để tăng cường kháng vi khuẩn và xử lý chất hữu cơ; chế phẩm chứa chủng vi khuẩn Lactobacillus acidophilus, giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và hạn chế bệnh đường ruột cho tôm; chế phẩm sử dụng các chủng vi khuẩn tía quang hợp, nhằm cung cấp nguồn thức ăn và ức chế sự phát triển của các loài tảo gây hại cho tôm, đồng thời xử lý các chất ô nhiễm amoni, H2S, chất hữu cơ; chế phẩm chứa các chủng vi khuẩn nitrate hóa, được sử dụng để kích hoạt và bổ sung định kỳ vào module lọc sinh học.

Một trong những sáng tạo của TS. Hoàng Phương Hà tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) là “Chế phẩm sinh học Nitrat hóa – khử Nitrat”, một sản phẩm có thể xử lý nước chứa các hợp chất nitơ vô cơ bằng vi khuẩn tự dưỡng. Vi khuẩn chuyển đổi các hợp chất nitơ vô cơ độc hại thành các hợp chất ít gây hại hơn. Chúng có thể chịu đựng ở nhiệt độ cao hoặc thay đổi độ pH. Sử dụng chế phẩm này giúp giảm hàm lượng nitơ độc hại, tăng tỷ lệ sống của tôm lên 20%. Ngoài ra, TS. Hà còn sáng chế ra một thực phẩm bổ sung cho tôm công nghiệp được chế biến từ đậu tương và vi khuẩn probiotics có tác dụng bảo vệ tôm chống lại các bệnh truyền nhiễm. Nó cũng làm tăng giá trị dinh dưỡng của thức ăn, giúp tôm to hơn và khỏe hơn. Hiện, cả hai sản phẩm nghiên cứu đều được các doanh nghiệp của 3 miền Bắc, Trung, Nam sử dụng như Hợp tác xã Thuận Yên ở TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP Maya Farm ở Sóc Trăng và một số trại nuôi tôm địa phương ở Thanh Hóa và Hải Phòng.

Hay giải pháp ứng dụng công nghệ tạo kháng thể phòng bệnh trên tôm do Công ty Cổ phần UV nghiên cứu. Công nghệ này hiện đã được thương mại hóa và ứng dụng thực tế tại một số ao nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với khả năng giúp tôm chống lại một số bệnh nguy hiểm.

Từ những giải pháp đến từ các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu… người nuôi tôm giờ đây có thể chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe tôm và tối ưu hóa quy trình nuôi. Các giải pháp công nghệ này không chỉ hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển ngành tôm bền vững. 

Nguồn: https://nguoinuoitom.vn/phong-chong-dich-benh-tren-tom-cuoc-chay-dua-cong-nghe/