Seminar nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản

Ngày 22/10/2024  nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản tổ chức buổi seminar chuyên môn với hai bài trình bày của PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu và ThS. Lê Thị Hoàng Hằng.

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu với bài trình bày: Khảo sát quy trình sản xuất rươi (Tylorrhynchus heterochaetus) tại Tứ Kỳ – Hải Dương”. Bài trình bày tập trung vào các khâu của quy trình nuôi như: cải tạo ruộng, chuẩn bị nguồn chất hữu cơ để bón ruộng, cày lật, cấy lúa, chăm sóc rươi trong năm qua các vụ, gặt lúa và cải tạo ruộng rươi vụ chiêm, vụ mùa, thu hoạch rươi…

Một bài trình bày khác của ThS. Lê Thị Hoàng Hằng với tiêu đề: “Theo dõi tình hình dịch bệnh trên cá diêu hồng nuôi lồng tại trại thủy sản GreenFeed, Vũ Thư, Thái Bình – 2024”. Kết quả cho thấy cá diêu hồng chết với tỷ lệ 28,7% là do  nhiễm bệnh lồi mắt do vi khuẩn Streptoccoccus sp. Khi cá nhiễm bệnh Streptococcus sp. thường có đồng nhiễm vi khuẩn Aeromonas sp. và ký sinh trùng. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, phát triển mạnh nhất vào thời điểm nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, cao nhất là vào tháng 5. Dấu hiệu bệnh tích trên cá chết là cá bơi lờ đờ, đỏ mình, lồi mắt, xuất huyết gốc vây, ngửa bụng trong đó biểu hiện đỏ thân và lồi mắt xuất hiện cao nhất. Thuốc dùng để trị bệnh là kháng sinh Doxycycline, Flophenicol và vitamin C. Kết quả nghiên cứu rất có ý nghĩa trong nghiên cứu về nuôi và quản lý sức khoẻ của cá diêu hồng nuôi lồng bè của công ty GreenFeed nói riêng và với việc nuôi cá diêu hồng ở miền Bắc Việt Nam nói chung.

Buổi seminar có sự tham dự của các thành viên trong nhóm NCM, học viên cao học và các em sinh viên thuộc khoa Thủy sản. Các thảo luận xung quanh chủ đề quy trình kỹ thuật nuôi rươi và quản lý dịch bệnh trên cá diêu hồng đã diễn ra sôi nổi, là cơ hội cho các thành viên tham gia hội thảo học tập sâu hơn thông qua thảo luận.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản