Ấn tượng với kết quả nghiên cứu khoa học của Khoa Thủy sản thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Ngày 14/5, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ của cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên năm 2025.

Nhiều đóng góp xuất sắc trong đào tạo và chuyển giao công nghệ

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Kim Văn Vạn – Trưởng khoa Khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay, với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Khoa Thủy sản đã gặt hái được nhiều thành công nổi bật.

Là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp xuất sắc trong công tác đào tạo và chuyển giao công nghệ, Khoa Thủy sản hiện có hai nhóm nghiên cứu mạnh và nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản, đứng trong top đầu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

img_9638.jpg
PGS.TS Kim Văn Vạn – Trưởng khoa Khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phát biểu khai mạc.

Hiện, Khoa Thủy sản là 26 người, trong đó có 3 PGS; 7 tiến sĩ; 2 nghiên cứu sinh; 9 thạc sĩ và 5 đại học. Khoa có 14 cán bộ giảng dạy, 3 Kỹ sư thực hành, 3 Trợ lý và 5 Nghiên cứu viên.

Khoa thủy sản hiện nay phụ trách đào tạo 2 chuyên ngành là: Nuôi trồng thủy sản và bệnh học thủy sản. Năm 2015, khoa bắt đầu mở chương trình đào tạo thạc sĩ. Hiện, khoa có khoảng 300 sinh viên đại học và 20 học viên cao học.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Trần Thị Nắng Thu – Phó trưởng Khoa Thủy sản cho hay, năm học 2024 – 2025, có 8 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học đã được hội đồng nghiệm thu và 27 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025 đang được phê duyệt.

Năm 2024, cán bộ của Khoa có 2 đề tài nghiên cứu cấp Học viện đã được hội đồng nghiệm thu; trong đó có 1 đề tài trọng điểm cấp Học viện. Đến năm 2025, có 3 đề tài cấp Học viện; 6 đề tài cấp Học viện do Việt Bỉ tài trợ; 1 đề tài trọng điểm cấp Học viện; 7 đề tài trọng điểm cấp Học viện do Việt Bỉ tài trợ.

img_9658.jpg
PGS.TS Trần Thị Nắng Thu.

Trao đổi về các hoạt động khoa học, PGS.TS Trần Thị Nắng Thu cho hay, các cán bộ, giảng viên của Khoa Thủy sản cũng tham gia giảng dạy ở nhiều khóa đào tạo, tập huấn quốc tế ngắn hạn. Đồng thời, tích cực tham gia hội thảo quốc tế tại Pháp; Vienna, Áo; Morocco; Bogor – Indonesia.

Nhiều thành tích đáng khích lệ

Về công tác xuất bản, PGS.TS Trần Thị Nắng Thu khoa đã có 14 bài trong nước, 7 bài quốc tế; tham gia viết sách giáo khoa môn Công nghệ lớp 12 (nhà xuất bản Cánh diều); Sách chuyên khảo: Công nghệ 12 – Lâm Nghiệp – Thuỷ sản (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Sách giáo trình: Di truyền và chọn giống Thuỷ sản. Sách chuyên khảo: Đặc điểm sinh học và công nghệ nuôi cá Trắm đen (Mylopharyngodon piceus Richardson, 1846) ở Việt Nam.

Khoa cũng thành lập 2 nhóm Nghiên cứu mạnh về “Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản” và Bệnh thuỷ sản: Đã vượt các sản phẩm của nhóm Nghiên cứu mạnh.

Kết quả nghiên cứu khoa học đã gặt hái được nhiều thành công và đạt nhiều thành tích đáng khích lệ, gồm: 1 giải Nhất công trình nghiên cứu khoa học cấp Học viện, 1 giải Ba – sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ (Vifotec), 4 nhóm sinh viên tham dự Hội nghị Khoa học trẻ toàn quốc; 2 nhóm sinh viên tham dự sinh viên nghiên cứu Khoa học Eureka và 1 nhóm lọt vào vòng chung kết.

img_9682.jpg
sinh viên Nguyễn Thảo Anh.

Với đề tài “Đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn gây bệnh trên tôm thẻ chân trắng bằng dịch chiết cây chùm ngây để sản xuất chế phẩm phòng bệnh”, sinh viên Nguyễn Thảo Anh chia sẻ, tôm thẻ chân trắng hiện đang là một ngành sản xuất mũi nhọn, đối tượng nuôi chủ lực với giá trị xuất khẩu lớn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về dịch bệnh phức tạp, chi phí liên quan đến phòng trị bệnh, gây nên thiệt hại kinh tế lớn đối với ngành nuôi tôm thẻ chân trắng nước ta.

Việc sử dụng kháng sinh tràn lan, lạm dụng đã trở thành nghiêm trọng và là trở ngại lớn trong nuôi tôm hiện nay. Giải quyết vấn đề này, Thảo Anh cho rằng, cần có những biện pháp vừa an toàn với môi trường, với vật nuôi, vừa bảo vệ được sức khỏe động vật thuỷ sản, vừa không tồn dư kháng sinh trong cơ thể động vật.

Qua quá trình nghiên cứu, nữ sinh và nhóm nhóm nghiên cứu đã phát hiện những giải pháp hạn chế việc dùng kháng sinh trong kiểm soát bệnh do Vibrio gây ra là sử dụng thảo dược và sản phẩm thảo dược.

Theo đó, chùm ngây – một trong những loài cây hữu dụng bậc nhất thế giới, có tác dụng hạ sốt, kháng viêm, kháng khuẩn, chữa thấp khớp và được nghiên cứu để ứng dụng trong thú y và nhân y.

Trong nuôi trồng thuỷ sản, chùm ngây đã được chứng minh có tác dụng làm sạch nước ao nuôi, bột hạt chùm ngây có khả năng kháng lại V.cholerae phân lập từ tôm. Lá chùm ngây có thể có khả năng nâng cao miễn dịch và ức chế hầu hết các bệnh.

img_9665.jpg
Hội nghị khoa học công nghệ của cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên năm 2025 diễn ra thành công tốt đẹp.

Ngành Nuôi trồng Thủy sản đã và đang trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong nền kinh tế Việt Nam. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng ngày càng tăng.

Hiện, Khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát triển và mở rộng quy mô với 3 bộ môn: Nuôi trồng Thủy sản; Môi trường và bệnh Thủy sản; Dinh dưỡng và thức ăn Thủy sản.

Theo học ngành Nuôi trồng thủy sản tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên được thực hành thực tập, rèn nghề tại các công ty có uy tín, được tham gia nghiên cứu khoa học với các giảng viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm, được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và tình nguyện vì cộng đồng, tham gia trao đổi, học tập tại nước ngoài như Israel, Thái Lan, Trung Quốc…, có cơ hội nhận được học bổng tài năng, học bổng vượt khó với tổng giá trị lên đến 30 tỷ đồng/1 năm.

Nguồn: Ấn tượng với kết quả nghiên cứu khoa học của Khoa Thủy sản thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam