ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG ĐẾN KHẢ NĂNG TỒN TẠI CỦA ẤU TRÙNG SÁN Dollfustrema bagari GÂY BỆNH TRÊN CÁ NHEO MỸ

Trong những năm gần đây, bệnh đốm trắng nội tạng do metacercaria của Dollfustrema bagari ngày càng phổ biến trên cá Nheo mỹ và gây thiệt hại lớn cho người nuôi tại Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện nhằm cung cấp thêm thông tin về loài ký sinh trùng này và làm tiền đề cho các nghiên cứu dịch tễ, phòng bệnh tiếp theo. Kết quả thu được cho thấy mức độ ảnh hưởng khác nhau của 3 yếu tố nhiệt độ, độ mặn và pH.

Đốm trắng nội tạng là bệnh phổ biến trên cá Nheo mỹ nuôi lồng, bệnh đang gây thiệt hại nhiều cho người nuôi ở khu vực phía bắc Việt Nam (Vũ Đức Mạnh & cs., 2022). Tác nhân gây bệnh được Kim & cs. (2022) xác định là ấu trùng metacercaria của loài sán Dollfustrema bagari.

Hình ảnh ký sinh trùng gây bệnh

Ghi chú: (A) Gan cá với các nang sán (mũi tên vàng); (B) Soi tươi metacercaria thu được (10´10); (C-E) Nhuộm và đo kích thước metacercaria (10 ´ 10).

Có nhiều biện pháp để kiểm soát lây nhiễm ký sinh trùng trong hệ thống và hóa chất luôn là lựa chọn đầu tiên của người nuôi (Buchmann, 2022). Theo nghiên cứu của Kim Văn Vạn & cs. (2023) Ivermectin và Praziquantel đã được sử dụng để điều trị thành công bệnh đốm trắng nội tạng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc và hóa chất lâu dài sẽ gây ra tác động xấu đến môi trường, gây độc cho cá nuôi và người lao động (Buchmann, 2022). Bên cạnh đó, ký sinh trùng cũng cho thấy sự thích ứng tốt với thay đổi của các điều kiện môi trường nên cần có nhiều phương hướng tiếp cận. Hiện nay, một trong những biện pháp bảo vệ cá nuôi tốt nhất là kiểm soát sự xuất hiện ký chủ trung gian của ký sinh trùng trong hệ thống nuôi (Madsen & Stauffer, 2024). Ngoài ra, việc điều chỉnh một số yếu tố ngoại sinh như nhiệt độ, độ mặn cũng cho thấy hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh ký sinh trùng (Born-Torrijos & cs., 2013). Do đó, đặc điểm sinh học của ký sinh trùng là thông tin quan trọng phục vụ cho các nghiên cứu dịch tễ và phòng bệnh. Đặc biệt, các yếu tố môi trường trong hệ thống nuôi luôn có mối quan hệ mật thiết đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng kéo theo xâm nhập mặn, sóng nhiệt và biến động môi trường bất thường (Stocker & cs., 2013), các loài ký sinh trùng cũng có những biến đổi và thích nghi phù hợp để tồn tại (Aleuy & Kutz, 2020). Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn, pH, nhiệt độ môi trường nước đến khả năng tồn tại, thích nghi của ấu trùng sán lá làm tiền đề cho nghiên cứu dịch tễ và phòng bệnh.

Hình ảnh thể hiện sự thích nghi của ấu trùng sán lá với các mức độ mặn môi trường khác nhau

Ghi chú: (A) Ấu trùng sán co lại khi gặp độ mặn cao (10´10); (B) Trương to trong môi trường nước cất (10 × 10)

Kết quả thu được cho thấy mức độ ảnh hưởng khác nhau của 3 yếu tố trên. Trong môi trường nước cất (độ mặn 0ppt; pH 6,8; 23-24oC), thời gian tồn tại trung bình từ 16-18 giờ. Độ mặn phù hợp cho metacercaria tồn tại là từ 0-5ppt; sán co lại, chết nhanh trong vòng 3 giờ khi gặp độ mặn cao trên 9ppt và trương to trong môi trường nước ngọt. Ấu trùng sán có khả năng tồn tại tốt nhất trong khoảng nhiệt 20-28oC (14-18 giờ), ngoài khoảng nhiệt trên metacercaria chỉ tồn tại được trong vòng 3 giờ. pH môi trường không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tồn tại của metacercaria. Với khả năng tồn tại tốt ở điều kiện môi trường, metacercaria D. bagari có thể thích nghi tốt và bùng nổ hơn trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu gia tăng.

Chi tiết tham khảo tại:

https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2024/08/tap-chi-so-8.6.pdf

Vũ Đức Mạnh – NCM Bệnh thủy sản