Trải qua 66 năm hình thành và phát triển (1/4/1959 – 1/4/2025), ngành thủy sản đã không ngừng đổi mới, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, góp phần nâng cao đời sống của hàng triệu người lao động và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Những thành tựu nổi bật của ngành thủy sản
Trong suốt 60 năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, ghi dấu nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội của đất nước. Ngay từ những năm đầu thành lập, Tổng cục Thủy sản ra đời vào năm 1960 đã tạo nền tảng cho sự phát triển ngành, giúp thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, khai thác. Đến năm 1963, các nhà khoa học Việt Nam đã nhân tạo thành công giống cá nước ngọt như mè, trắm, chép, trôi, mở ra triển vọng lớn trong nuôi trồng thủy sản. Cùng năm đó, nhà máy cá hộp Hạ Long đã xuất khẩu lô hàng thủy sản đầu tiên, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa sản phẩm thủy sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Sau năm 1975, ngành thủy sản tiếp tục có những chuyển biến tích cực với việc thành lập Bộ Hải sản năm 1976 và Bộ Thủy sản năm 1981, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với ngành kinh tế mũi nhọn này. Năm 1981, cơ chế “tự cân đối, tự trang trải” được áp dụng, giúp ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ hơn trong sản xuất và xuất khẩu. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, ngành thủy sản là một trong những lĩnh vực tiên phong hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng hợp tác với nhiều nước, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Ngành thủy sản tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong các ngành kinh tế biển. Ảnh: ST
Từ năm 1995 đến nay, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về cả sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với trước đó. Thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt 1 tỷ USD vào năm 1999 và đạt gần 11 tỷ USD vào năm 2022, đưa Việt Nam vào nhóm ba quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đã tạo nên những cột mốc ấn tượng khi lần lượt đạt giá trị xuất khẩu 4,3 tỷ USD; 2,4 tỷ USD và 1 tỷ USD trong năm 2022. Những thành tựu này là kết quả của quá trình không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng thị trường, khẳng định vai trò quan trọng của ngành thủy sản trong nền kinh tế quốc gia.
Đặc biệt, ngành thủy sản đã có những bước tiến dài trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Hiện nay, thủy sản Việt Nam đã có mặt trên hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, với những thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khắt khe mà còn khẳng định được vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các hoạt động kỷ niệm trên cả nước
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh những đóng góp của ngành.
Hưởng ứng ngày kỷ niệm, các địa phương tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: ST
Tại Bình Thuận, một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước, ngành thủy sản đã khẳng định vị thế quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao đời sống ngư dân. Tại Vĩnh Long, hoạt động thả cá giống ra môi trường tự nhiên đã được duy trì hàng năm vào ngày 1/4, nhằm tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản. Hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Tại Quảng Ninh, tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội để bổ sung và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các hoạt động thả giống thủy sản được tổ chức nhằm phục hồi các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản. Riêng tại TP. Móng Cái, ngày 28/3, lễ thả 80.000 con giống thủy sản đã diễn ra tại Hồ Tràng Vinh, xã Hải Tiến, với sự tham gia của lãnh đạo thành phố và đông đảo người dân địa phương. Tại Phú Yên, hơn 1 triệu con tôm sú giống đã được thả tại cảng cá Đông Tác (TP. Tuy Hòa) vào sáng 1/4, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Ngoài các hoạt động thả giống, nhiều địa phương còn tổ chức các sự kiện thể thao nhằm chào mừng ngày truyền thống. Tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, ngày 29/3 đã diễn ra sự kiện giao lưu thể thao với sự tham gia của các đơn vị liên quan. Tại Nghệ An, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức giải bóng chuyền da đệm, thu hút sự tham gia của nhiều đội bóng đến từ các đơn vị trong ngành.
Thách thức và định hướng tương lai
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên tôm cá, vấn đề khai thác bền vững và yêu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để hướng tới sự phát triển bền vững, ngành thủy sản Việt Nam đang tập trung vào các giải pháp mang tính chiến lược như ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng và chế biến, phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại và mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là những yếu tố then chốt giúp ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống, đây là cơ hội để toàn ngành cùng nhìn lại những thành tựu, đánh giá những thách thức và tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới, hướng tới một nền thủy sản phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế. Với sự quyết tâm của toàn ngành, sự đồng hành của chính phủ và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, ngành thủy sản Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.