Mời chuyên gia Thái Lan trình bày seminar về ứng dụng giun nhiều tơ trong Nuôi trồng thủy sản

Ngày 22 tháng 6 năm 2023, Nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn & Nuôi trồng thủy sản đã mời chuyên gia Dr. Suraphol đến từ Đại học Chulalongkorn, Thái Lan trình bày seminar chủ đề ứng dụng giun nhiều tơ trong Nuôi trồng thủy sản. Tham dự seminar có PGS.TS. Kim Văn Vạn, trưởng Khoa Thủy sản, các thầy cô nhóm nghiên cứu mạnh Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản, các thầy cô và các em sinh viên Khoa Thủy sản. Dr. Suraphol đã trình bày về thành phần dinh dưỡng của giun nhiều tơ, tác dụng kích thích sinh sản khi sử dụng giun nhiều tơ làm thức ăn phát dục cho tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Chuyên gia cũng đề cập đến các thành phần dinh dưỡng như axit béo không no mạch dài, một số chất kích thích sinh sản chỉ có trong giun nhiều tơ, giúp tôm thẻ chân trắng nâng cao khả năng phát dục, sức sinh sản và chất lượng tôm post. Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh điểm bất cập khi sử dụng giun nhiều tơ làm thức ăn tươi sống cho tôm thẻ chân trắng, đó là sự lây truyền dịch bệnh từ giun nhiều tơ sang tôm thẻ chân trắng, tạo những đàn giống tôm không sạch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả nuôi tôm sau này. Tại Thái Lan, một số nghiên cứu sản xuất giun nhiều tơ sạch bệnh đã được nghiên cứu. Bên cạnh đó, cũng có các nghiên cứu nhằm tìm ra các chất tổng hợp có tác dụng kích thích sính sản ở tôm thẻ tương tự như tác dụng của giun nhiều tơ, tuy nhiên cũng mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu mà chưa có sản phẩm thương mại. Chính vì vậy, vai trò của giun nhiều tơ dùng làm thức ăn cho tôm bố mẹ vẫn rất quan trọng, chưa có giải pháp nào thay thế.

Ngoài bài trình bày của Dr. Suraphol, PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu cũng có bài trình bày về “Mô hình kết hợp sản xuất Rươi-Lúa hữu cơ tại Việt Nam”. Rươi là một loại giun nhiều tơ phổ biến tìm thấy trong môi trường nước ngọt, lợ tại Việt Nam. Nội dung bài trình bày xoay quanh đặc điểm sinh học con rươi, môi trường sống, các mô hình nuôi kết hợp lúa- rươi- cáy tại Việt Nam.

Buổi seminar diễn ra sôi nổi với sự trao đổi chuyên môn sâu rộng giữa chuyên gia Thái Lan và các thầy trò Khoa Thủy sản. Sau buổi seminar, mở ra một hướng nghiên cứu mà các thầy cô Khoa Thủy sản mong muốn tiếp tục triển khai sâu hơn nữa trong tương lai, đó là nghiên cứu về con rươi và các loại giun nhiều tơ khác như một đối tượng thủy sản mang lại giá trị kinh tế và bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường.

Một số hình ảnh tại buổi chuyên gia Thái lan trình bày seminar:

Nhóm NCM DDTA & NTTS