Mối liên hệ giữa bệnh gan và bệnh đường ruột ở tôm

Gan tụy và đường ruột là hai cơ quan quan trọng, quyết định trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng và sức khỏe của tôm trong suốt vụ nuôi.

Gan tôm
Gan tuy và đường ruột là yếu tố chính tác động đến khả năng phát triển của tôm. Ảnh: depositphotos.com

Gan tụy đảm nhiệm chức năng chính của tôm là hấp thụ, dự trữ dinh dưỡng và hỗ trợ các quá trình chuyển hóa, trong khi đường ruột đóng vai trò thiết yếu trong tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, giúp tôm phát triển khỏe mạnh. Việc theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở hai cơ quan này sẽ giúp hạn chế rủi ro, nâng cao năng suất và chất lượng vụ nuôi.

Tổng quan về bệnh gan

Bệnh gan trên tôm là các loại bệnh lý trong đó có các tác nhân ảnh hưởng trực tiếp lên gan tôm và hình thành những bệnh thường gặp như bệnh vàng gan, nhũn gan, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính…Bệnh gan trên tôm xảy ra thường do các nguyên nhân như:

– Con giống chất lượng kém.

– Tôm bị nhiễm vi khuẩn độc lực cao (ví dụ: Vibrio parahaemolyticus sẽ gây ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND…).

– Môi trường nước ao kém, các chỉ số không đạt tiêu chuẩn làm tôm yếu, dễ bệnh.

– Đáy ao cũ, tích tụ khí độc, ít xi-phông hoặc xi-phông không đủ tần suất.

– Thời tiết thay đổi thất thường làm tôm bị stress.

– Không đảm bảo an toàn sinh học hoặc các vật dụng lây lan mầm bệnh vào ao.

– Tác động bởi các hóa chất độc hại diệt giáp xác như Deltamethrin, Cypermethrin,…

Tôm bệnh gan

Để điều trị hiệu quả, cần tập trung giải quyết nguyên nhân gốc rễ từ gan tụy

Về bệnh đường ruột

Bệnh đường ruột ở tôm khá phổ biến như bệnh phân trắng, đứt khúc, trống ruột… thường xảy ra ở tôm sau 1 tháng thả nuôi, mức độ xảy ra nhiều nhất vào giai đoạn 60 – 90 ngày tuổi.

Do ruột tôm có cấu tạo đơn giản nên rất dễ mẫn cảm với vi khuẩn. Trong đó, Vibrio là vi khuẩn chính gây nên bệnh đường ruột trên tôm. Mặt khác, tôm dễ bị mắc bệnh đường ruột hơn khi nguồn thức ăn không đảm bảo, chất lượng nước không được kiểm soát tốt dẫn đến ô nhiễm. Chưa kể, tác động của thời tiết thay đổi nắng, mưa liên tục cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đường ruột của tôm.

Cách nhìn nhận bệnh gan tụy và bệnh đường ruột

Điểm giống nhau giữa bệnh đường ruột và bệnh gan tụy ở đặc điểm chung khi 2 bệnh này ở cấp độ nặng là bao tử trống và ruột trống.

Về điểm khác nhau giữa bệnh gan tụy và đường ruột thì:

* Bệnh gan tụy: Biểu hiện trên gan.

Như gan chuyển màu. Màu đặc trưng tự nhiên là nâu đen chuyển sang nhợt nhạt. Gan vàng, hoặc đỏ. Kích thước không bình thường như: to lên do viêm, sưng. hoặc nhỏ lại do teo, chai.

* Bệnh đường ruột: Biểu hiện trên ruột.

Như phân lỏng, chạy lên, chạy xuống khi lấy tay bóp nhẹ vào lưng tôm. Phân đứt khúc, hay có điểm trắng ở đốt đuôi.

Vì gan và ruột có liên quan nhau trong tiêu hóa, chuyển hóa dinh dưỡng, nên có khi tôm bệnh kế phát, mắc cùng lúc 2 bệnh, vừa gan tụy và đường ruột. Lúc này sẽ thấy có biểu hiện của bệnh gan lẫn đường ruột.

Sự liên quan giữa gan và ruột

Chức năng của gan tụy và đường ruột ở tôm có mối quan hệ mật thiết với nhau. Gan tụy có chức năng tiết mật giúp tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng nên một khi chức năng gan bị tổn thương thì đường ruột cũng bị ảnh hưởng.

Tôm thẻ

Chức năng của gan tụy và đường ruột ở tôm có mối quan hệ mật thiết với nhau

Trường hợp tôm chỉ mắc bệnh đường ruột, các triệu chứng sẽ tập trung ở khu vực này, còn gan tụy vẫn hoạt động bình thường. Cụ thể, tôm có thể xuất hiện hiện tượng phân lỏng, đứt khúc hoặc có màu trắng như hạt gạo ở đốt sống thứ 6, nguyên nhân thường do nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng trong đường ruột. Lúc này, gan tụy vẫn khỏe mạnh và không có dấu hiệu bất thường.

Tuy nhiên, nếu tôm có các biểu hiện như phân lỏng, đứt khúc, ruột mờ kèm theo những dấu hiệu bệnh lý ở gan tụy như sưng, viêm, hoại tử hoặc vùng tiếp giáp giữa bao tử và gan tụy bị viêm, trắng đục, thì đây không đơn thuần là vấn đề ở đường ruột. Những triệu chứng ở đường ruột trong trường hợp này thực chất là hệ quả của việc gan tụy bị tổn thương.

Hướng xử lý

Trong trường hợp mắc cả 2 loại bệnh gan và ruột cùng lúc, ưu tiên chữa bệnh gan và khi kết thúc liệu trình chữa bệnh gan, thì tiếp tục dùng men vi sinh liều cao cho đường ruột. Các ao tôm bị bệnh gan sau khi chữa bằng kháng sinh, cũng nên dùng vi sinh liều cao để khôi phục đường ruột.

Bệnh gan tụy hay đường ruột có trường hợp không bị viêm, sưng, không do tác nhân là vi khuẩn thì không cần dùng kháng sinh. Các trường hợp viêm nhiễm, viêm sưng thì phải dùng đến kháng sinh, tránh trường hợp lạm dụng kháng sinh hoặc sử dụng kháng sinh không hợp lý.

Tôm nuôi bình thường đã bị bệnh, thì sau khi chữa bệnh, việc bệnh tái phát là chuyện bình thường. Để tránh tình trạng này, người nuôi phải chăm sóc tốt sau khi chữa bệnh như: quan tâm nhiều đến sức khỏe tôm, thường xuyên theo dõi môi trường ao nuôi. 

Biết kiềm hãm sức ăn khi tôm còn yếu, tôm mới bệnh dậy. Không nên cho ăn nhiều sau khi mới chữa bệnh xong. Điều này là cần thiết, bởi khi đó, tôm bệnh vừa hồi phục các chức năng, nên khi các chức năng, cơ quan này làm việc quá sức sẽ có nguy cơ tôm phát bệnh trở lại.

Ngoài ra, việc bổ sung vitamin, axit hữu cơ, giải độc gan cho tôm theo các trường hợp bệnh cũng cần thực hiện tốt, nhằm hổ trợ tăng đề kháng, sức khỏe cho tôm sau bệnh.