Ngày 20/12/2024 nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản tổ chức buổi seminar chuyên môn với ba bài trình bày của (1) TS. Trịnh Đình Khuyến, (2) ThS. Lê Thị Hoàng Hằng và (3) PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu.
– Bài trình bày của TS. Trịnh Đình Khuyến với tiêu đề: Ảnh hưởng của nhiệt độ ấp trứng đến tỷ lệ nở và loại thức ăn tới sinh trưởng của ốc nhồi (Pila polita). Kết quả thí nghiệm 1 được bố trí với 4 nghiệm thức (lặp lại 3 lần) tương ứng với 4 mức nhiệt độ khác nhau với các tiêu chí được đánh giá trên trứng ốc nhồi như tỷ lệ nở, thời gian nở, và tỷ lệ sống của ốc con sau 7 ngày tuổi. Kết quả cho thấy NT3 với khoảng nhiệt độ từ 28-30ºC có kết quả tốt nhất về tỷ lệ và thời gian nở. Quan sát tương tự cũng được ghi nhận ở chỉ tiêu tỷ lệ sống của ốc con sau 7 ngày ương nuôi. Nhiệt độ thấp hơn 20℃ hoặc cao quá 35℃ đều ảnh hưởng đến tỷ lệ nở của trứng ốc nhồi và chất lượng ốc con sau khi nở. Tương tự, thí nghiệm 2 cũng được thực hiện trên ốc nhồi được cho ăn 4 loại thức ăn khác nhau (4 nghiệm thức) lần lượt là: TACN 20% protein, TACN 24% protein, TACN 29% protein, và thức ăn xanh (rau quả). Thí nghiệm được thực hiện các giai lưới với kích thước 2 × 1 × 0,5 (m) và mật độ thả 500 con/m2 (0,03 g/con). Sau 45 ngày ương nuôi, các chỉ tiêu được đánh giá là tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn. Sau thời gian thử nghiệm, tỷ lệ sống của ốc nhồi giữa các nghiệm thức không có sự khác biệt đáng kể (P >0,05). Với chỉ tiêu về tăng trọng và tốc độ tăng trưởng, NT4 với thức ăn được sử dụng là thức ăn thương mại 29% protein cho kết quả khối lượng cuối cùng tốt nhất. Nghiệm thức này cũng có SGR và ADG tốt nhất trong thí nghiệm. Trong khi đó, NT2 và NT3 cũng sử dụng thức ăn thương mại có kết quả tăng trưởng thấp hơn, trong khi thức ăn xanh cho kết quả thấp nhất. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở nhóm chỉ tiêu kích thước của ốc nhồi. Các nghiệm thức sử dụng thức ăn thương mại có kết quả về chiều cao, SGR và ADG tốt hơn nghiệm thức sử dụng thức ăn xanh. FCR và FE ở ốc được cho ăn thức ăn thương mại cũng tốt hơn và kết quả tốt nhất được quan sát thấy ở NT4 (P < 0,05). Từ kết quả nghiên cứu thí nghiệm trên cho thấy: ương nuôi ốc nhồi từ giai đoạn ốc mới nở đến giai đoạn ốc 45 ngày tuổi bằng thức ăn có độ đạm 29% sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, cao hơn so với sử dụng thức ăn là bèo tấm và loại thức ăn có độ đạm 20% và thức ăn có độ đạm 24%.
– Nhóm nghiên cứu của ThS. Lê Thị Hoàng Hằng với bài trình bày: “Ảnh hưởng của các loại thức ăn khác nhau tới sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá rô phi đơn tính giai đoạn giống”. Thí nghiệm tiến hành với 4 nghiệm thức thăm dò và 1 nghiệm thức đối chứng; các nghiệm thức đều có chung hàm lượng protein trong thức ăn là 42%. Kết quả nghiên cứu cho thấy các loại thức ăn không ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ sống của cá Rô phi sau 30 ngày nuôi, cá có sức khỏe tốt và đạt tỷ lệ sống cao (>95%). Về tốc độ tăng trưởng tuyệt đối ADG cho thấy, thức ăn ở NT2 có tốc độ tăng trưởng tốt nhất 1.01b ± 0.02 (g/con/ngày) so với các NT còn lại. Các loại thức ăn có ảnh hưởng đến hệ số FCR và chi phí sử dụng thức ăn, trong đó ở NT2 cho giá trị FCR và chi phí sử dụng thức ăn cho 1 kg tăng trọng là thấp nhất. Như vậy, dựa vào kết quả của thí nghiệm, có thể sử dụng NT2 vào sản xuất thương mại cho thức ăn cá rô phi giai đoạn giống để tối ưu hóa hiệu quả ương nuôi cá rô phi giống.
– Một bài trình bày khác của PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu với tiêu đề: “Đánh giá ảnh hưởng của chế phẩm vi sinh chỉ bổ sung vào môi trường và chế phẩm vi sinh bổ sung cả vào thức ăn lẫn môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng đến khả năng kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus”. Vật liệu nghiên cứu là tôm thẻ chân trắng nuôi sau 30 ngày được cảm nhiễm vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus trong 14 ngày, 10 tôm/ bể 20l, Vibrio Parahaemolyticus 5×10^5 CFU/ml. Đối chứng âm (ĐC âm): bể chứa tôm đối chứng, không bổ sung vi khuẩn Vibrio paraheamolyticus để nuôi cảm nhiễm; Đối chứng dương (ĐC dương): là bể chứa tôm đối chứng, bổ sung vi khuẩn Vibrio paraheamolyticus để nuôi cảm nhiễm. Kết quả cho thấy chỉ bổ sung chế phẩm vi sinh trong môi trường hoặc bổ sung đồng thời trong cả thức ăn và môi trưởng đều giúp tôm có khả năng kháng lại vi khuẩn gây bệnh Vibrio Parahaemolyticus. Buổi seminar có sự tham dự của các thành viên trong nhóm NCM, học viên cao học và các em sinh viên thuộc khoa Thủy sản.
Dưới đây là một số hình ảnh:
Nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản