Siminar Biofloc trong Nuôi trồng thủy sản

Ngày 30 tháng 11 năm 2023, Nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn & Nuôi trồng thủy sản đã tổ chức seminar tháng 11 nhằm trình bày một số kiến thức về việc áp dụng Biofloc trong nuôi trồng thủy sản nói chung và trong nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng. Công nghệ Biofloc cũng là một trong những công nghệ nằm trong nhóm các giải pháp nằm trong nhóm giải pháp của ngành kinh tế tuần hoàn.  Ths. Đỗ Thị Ngọc Anh đã trình bày bài” Nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc”. Bài trình bày đã nêu bật lên những lợi ích của công nghệ biofloc ứng dụng trong nuôi tôm thẻ chân trắng như: tiết kiệm nước, tiết kiệm thức ăn do tôm có thể sử dụng các hạt biofloc làm thức ăn, giảm chất thải rắn và chất thải hữu cơ ra môi trường, giảm dịch bệnh. Bí quyết của nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc đó là việc kiểm soát môi trường tối ưu cho các hạt biofloc phát triển tốt. Mật rỉ đường, các chủng vi sinh vật gây biofloc là các nguyên liệu chính phải bổ sung, cân bằng liên tục trong quá trình nuôi. Việc kiểm soát tốt pH, độ kiềm, nhiệt độ nước, các chất khoáng khác và các vitamin trong công nghệ nuôi biofloc giúp cho tôm phát triển tốt, cứng vỏ nhanh khi lột xác. Bên cạnh đó, PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu trình bày bài “ Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi cá rô phi”. Bài trình bày đã so sánh công nghệ nuôi cá rô phi truyền thống với công nghệ nuôi cá rô phi Biofloc. Bài trình bày chỉ ra điểm ưu việt rõ rệt về giá thành sản xuất, về việc tiết kiệm nước và đặc biệt đảm bảo an toàn thực phẩm của cá rô phi nuôi bằng công nghệ biofloc. Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu cũng nhấn mạnh, điểm khó trong công nghệ Biofloc là chi phí xây dựng hệ thống ban đầu cao, cần tiêu tốn nhiều năng lượng để sục khí và quạt nước, đảo đều các hạt biofloc. Cần đảm bảo nguồn cung cấp điện liên tục cho hệ thống nuôi. Biofloc là công nghệ cao, do đó cũng đòi hỏi người nuôi có kỹ năng tính toán cân bằng Nito, Cacbon trong hệ thống, biết cách nhin màu nước, quan sát độ nhớt của nước để điều chỉnh việc bổ sung các chế phẩm.

Công nghệ Biofloc là công nghệ cao, về lý thuyết có thể ứng dụng cho hầu hết các loài thủy sản, nhưng trên thực tế cần tính toán kỹ hiệu quả kinh tế, năng lực điều hành các khu vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Ở Việt Nam, bước đầu đề xuất công nghệ này chỉ nên áp dụng cho các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm, cá giống…

Một số hình ảnh buổi seminar:

Nhóm NCM DDTA & NTTS