Việc lạm dụng kháng sinh và hiệu quả hạn chế của vaccine trong nuôi trồng thủy sản đã thúc đẩy xu hướng sử dụng thảo dược. Với khả năng tăng cường miễn dịch, chống khuẩn và ít tác dụng phụ, thảo dược đang trở thành giải pháp thay thế tiềm năng.
Thảo dược đang trở thành giải pháp thay thế kháng sinh tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản
Thảo dược: Xu hướng tất yếu trong nuôi trồng thủy sản
Nhiều tập đoàn nghiên cứu vaccine đã chỉ ra rằng, tốc độ biến chủng của các vi sinh vật gây bệnh đang diễn ra nhanh chóng hơn nhiều so với khả năng phát triển vaccine để phòng ngừa các bệnh này. Trong khi đó, sự phong phú của các loài động vật thủy sản, đặc biệt là một số loài có trí nhớ miễn dịch kém như động vật giáp xác, đã dẫn đến việc áp dụng và triển khai vaccine gặp nhiều khó khăn và không đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, việc sử dụng thảo dược thay thế kháng sinh tổng hợp và làm chất kích thích miễn dịch đã thu hút sự chú ý đáng kể nhờ vào những đặc tính nổi bật như hoạt tính chống oxy hóa, kháng vi sinh vật, khả năng phân hủy sinh học nhanh, ít tác dụng phụ và dễ dàng tìm kiếm.
Ở nhiều quốc gia, thảo dược đã được sử dụng rộng rãi trong y học truyền thống. Các nghiên cứu cho thấy rằng thực vật tự bảo vệ mình bằng cách sản sinh ra các chất “kháng dinh dưỡng”, là hàng rào bảo vệ tự nhiên của thực vật, giúp chúng chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Chúng hoạt động bằng cách gây rối loạn tiêu hóa, tạo ra các độc chất từ đó khiến động vật e ngại khi tấn công.
Việc sử dụng hợp lý các hoạt chất này có thể chuyển hóa chúng thành những loại thuốc đông y quý giá, với khả năng chữa bệnh và tăng cường sức đề kháng, đặc biệt là các loại thảo dược mọc trong môi trường khắc nghiệt, thường chứa nhiều hoạt chất có giá trị dược liệu cao.
Các loại thảo dược được ưa chuộng
Tỏi và các sản phẩm từ tỏi được sử dụng phổ biến nhất. Hoạt chất alicin được giải phóng từ tỏi đã được sử dụng từ lâu như một loại kháng sinh tự nhiên cho cả người và động vật. Tỏi có khả năng kháng khuẩn (kể cả virus), ngăn ngừa một số bệnh do kí sinh trùng, nấm… Vì thế, các sản phẩm tách chiết từ tỏi đã được dùng để trị rối loạn tiêu hóa. Gần đây, tỏi cũng được cho là có tác dụng hữu hiệu trong kiểm soát bệnh phân trắng và nhiễm bào tử trùng (EHP) trên tôm (Palanikumar và cs, 2019).
Gừng, riềng và nghệ cũng là những loại thảo dược được phổ biến được sử dụng ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ… Gingerols (C17H26O4) trong gừng có tác dụng giảm đau, kháng khuẩn, kháng viêm, tăng nhu động và ổn định đường tiêu hóa. Trong khi đó, Tewtrakul và cs (2005) đã chứng minh dịch chiết từ củ riềng cũng chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn (eugenol, ethyl-p-methoxycinnamate, methylcinnamate…). Curcumin từ củ nghệ cũng là những hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn và hỗ trợ bảo vệ đường ruột cho động vật thủy sản rất hiệu quả (Moghadam và cs, 2022).
Silymarin từ cây kế sữa và các hợp chất alkaloids, flavonoids từ diệp hạ châu không chỉ có khả năng kháng khuẩn Vibrio mà còn giúp tăng cường đáng kể sức đề kháng ở tôm (Okwute Simon và cs 2014). Đặc biệt, khi sử dụng phối hợp cùng các dịch chiết từ cây atiso đã chứng minh khả năng cải thiện đáng kể chức năng gan tụy của tôm thẻ chân trắng (Nirmal, 2011; Oujifard, 2014). Tương tự, sự kết hợp giữa dịch chiết cây hoàng kỳ, hoàng liên và đỗ trọng đã góp phần tăng cường khả năng chống stress và kháng bệnh do vi khuẩn ở tôm một cách rõ rệt (Ding và cs, 2020).
Nhìn chung, có rất nhiều loại thực vật sở hữu hoạt tính sinh học kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa và bổ trợ chức năng gan tụy cho động vật thủy sản. Tuy nhiên, để tạo ra các sản phẩm thảo dược hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào nguồn gốc của nguyên liệu và công nghệ tách chiết. Liều lượng và đặc biệt là sự kết hợp hợp lý giữa các loại thảo dược với tỷ lệ cân đối sẽ làm tăng cường hiệu quả của các hoạt chất. Ngoài ra, hiệu quả của thảo dược có thể được nâng cao khi áp dụng các công nghệ vi bọc, công nghệ nano trong quá trình chế biến. Tỷ lệ giữa các hoạt chất, công nghệ chế biến khác nhau thường mang đến những giá trị khác nhau của sản phẩm.
Nghiên cứu ứng dụng thực tế
Một trong những sản phẩm nổi bật trong lĩnh vực thủy sản là Biodefence, được sản xuất bởi Tập đoàn Inovad (Bỉ). Sản phẩm này đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc hỗ trợ sức khỏe và tăng cường khả năng miễn dịch cho động vật thủy sản. Các nghiên cứu đã chứng minh Biodefence có khả năng ức chế rất tốt các vi khuẩn gây bệnh trên động vật (như E. coli, Vibrio sp, Edwarsiella ictaluri và Aeromonas hydrophila), trong khi nó lại tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển (Lactobacillus sp). Các kết quả phân tích của nhà sản xuất về mật độ vi khuẩn (E. coli, và Lactobacillus) khi trộn Biodefence vào thức ăn đã chứng minh điều này. Sau khi trộn 7 ngày, toàn bộ vi khuẩn gây bệnh đã bị tiêu diệt trong khi đó vi khuẩn có lợi vẫn đảm bảo phát triển tốt (Hình 1, 2).
Hình 1: Vi khuẩn ngay sau khi cấy Biodefence vào thức ăn
Hình 2: Vi khuẩn sau 7 ngày trộn Biodefence vào thức ăn
Trên thực địa, sản phẩm đã được chứng minh làm tăng khả năng kháng bệnh do vi khuẩn ở cá tra khi ương từ giai đoạn bột lên giống tại các ao ương ở Long Xuyên (An Giang). Cá tra sau khi được cho ăn bổ sung Biodefence hoàn toàn không bị bệnh và đạt cỡ 800 con/kg sau 40 ngày ương. Trong khi ao cá ở ao đối chứng cá lớn chậm hơn, chỉ đạt cỡ 950 con/kg. Ngoài ra cá ở ao đối chứng bị nhiễm bệnh trắng mang, thối đuôi gây chết khoảng 20% và phát sinh nhiều chi phí thuốc, hoá chất để xử lý.
Đối với tôm thẻ chân trắng khi sử dụng Biodefence cũng cho nhiều kết quả khả quan tương tự. Điển hình gần đây nhất khi chủ đầm tại Hòn Đất (Kiên Giang) thả nuôi 30 vạn tôm thẻ chân trắng trong hệ thống ao lót bạt đã thu được kết quả rất khả quan. Giai đoạn 1 tôm được nuôi trong ao 1.500 m2 và san sang 2 ao sau 40 ngày thả nuôi. Tôm nuôi được cho ăn bổ sung định kì 1 – 3 g Biodefence/kg thức ăn kết hợp với ester của acid butyric. Trong suốt quá trình nuôi tôm luôn có màu sắc đẹp, ruột to, ăn khoẻ, lớn nhanh dù nuôi trong mùa mưa với nhiều biến động về môi trường. Sau 73 ngày nuôi chủ hộ đã thu được 7,5 tấn tôm cỡ 40 con/kg, với giá bán 150 nghìn/kg đã đem lại lợi nhuận trên 650 triệu đồng.
Các kết quả tương tự tại các hệ thống ao nuôi tại Bến Tre và Long An cũng được ghi nhận trong nhiều năm qua. Điều này đã dần dần giúp nông dân phát triển nghề nuôi thuỷ sản hiệu quả không phụ thuộc vào kháng sinh, đảm bảo chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Ngọc Tuấn
Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam