Vì mục tiêu phát triển ngành NTTS bền vững, nhiều hãng dinh dưỡng đang nỗ lực tăng cường tỷ lệ thay thế bột cá bằng các nguồn protein trên cạn, đặc biệt là protein thực vật mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng và chất lượng của vật nuôi.
Công ty Fuhai Biotech tại Giang Tô đã phát triển các sản phẩm peptide đậu tương mang thương hiệu Fatide bằng quá trình lên men đậu tương tách vỏ hoặc khô dầu đậu tương để thay thế bột cá. Các sản phẩm đã được thử nghiệm ở quy mô nhỏ và thương mại để đánh giá hiệu quả trên các đối tượng thủy sản nuôi khác nhau gồm tôm và các loại cá ăn thịt.
Cá vược và tôm
Fuhai Biotech đã hợp tác với Đại học Đại dương Trung Quốc trong quá trình thử nghiệm thức ăn chứa peptide đậu tương trên cá vược và tôm thẻ chân trắng (TTCT). Năm 2018, trong một thử nghiệm trên cá vược miệng rộng, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thức ăn đối chứng 56% bột cá Peru để so sánh với thức ăn thay thế 7 – 28% bột cá bằng peptide đậu tương. Kết quả cho thấy, so với nhóm đối chứng, nhóm cá thử nghiệm được cải thiện rõ rệt về tăng trọng cơ thể, tốc độ tăng trưởng riêng, đồng thời hệ số thức ăn giảm.
Năm 2019, kết quả thử nghiệm trên tôm với thức ăn đối chứng 25% bột cá Peru so sánh với thức ăn thay thế 8 – 48% bột cá bằng peptide đậu tương cho thấy hiệu suất tăng trưởng của hai nhóm cá không khác biệt đáng kể.
Cá da trơn
Năm 2021, Fuhai Biotech hợp tác với Đại học Soochou đánh giá tác động của peptide đậu tương thủy phân bằng enzyme thay thế bột cá và bột gia cầm lên hiệu suất tăng trưởng, các chỉ số sinh hóa huyết thanh và cấu trúc đường tiêu hóa của cá da trơn. Kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ tích trữ protein ở cá da trơn được cho ăn khẩu phần thử nghiệm tăng rõ rệt so với nhóm đối chứng. Tỷ lệ sống của cá cũng không bị ảnh hưởng khi thay thế bột cá bằng bột gia cầm và peptide đậu tương thủy phân. Ngoài ra, peptide đậu tương thủy phân đã làm tăng đáng kể protein thô, lipid thô trong cơ thể cá da trơn; tăng chiều dài nhung mao ruột và độ dày thành ruột, do đó cải thiện khả năng tiêu hóa của cá.
Nuôi công nghiệp
Từ năm 2021, thức ăn chứa peptide đậu tương đã được thử nghiệm tại nhiều trại nuôi thương mại. Tại Long Dương Hạp, Thanh Hải, cá hồi được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp không chứa bột cá bổ sung peptide đậu tương và so sánh với thức ăn của một hãng nổi tiếng ở châu Âu. Kết quả không ghi nhận sự khác biệt nào về hiệu suất tăng trưởng. Thức ăn peptide đậu tương cũng đã được thử nghiệm tại một trại nuôi TTCT ở Chiết Giang và không nhận thấy sự khác biệt so với thức ăn công nghiệp nhưng tôm sau khi nấu chín có màu đỏ tươi, thịt chắc hơn.
Năm 2022, thức ăn chứa peptide đậu tương đã được sử dụng trong các trại nuôi cá vược quy mô lớn ở Giang Tô và Chiết Giang. Một số trại nuôi cá đù vàng ở Ninh Đức, Phúc Kiến cũng sử dụng loại thức ăn này. Hiệu suất tăng trưởng của hai loài cá đều tối ưu, với cơ quan nội tạng và bụng nhỏ giống hệt cá tự nhiên. Nhờ đó, sản phẩm của Fuhai Biotech đã đạt giải F3 – thức ăn không bột cá vì một ngành NTTS bền vững vào năm ngoái.
Khoa thủy sản sưu tầm