- Home /
- Giới thiệu chung
BỘ MÔN MÔI TRƯỜNG VÀ BỆNH THỦY SẢN
Lịch sử phát triển
Bộ môn Môi trường và Bệnh Thủy sản được thành lập từ tháng 4 năm 2012, trực thuộc khoa Chăn Nuôi và Nuôi Trồng Thủy sản, nay thuộc Khoa Thủy sản. Bộ môn Môi trường và Bệnh Thủy sản đảm nhiệm nhiệm vụ đào tạo cho sinh viên dựa trên nhu cầu phát triển của ngành Thủy sản nói chung cũng như kế hoạch xây dựng và phát triển trong tương lai của nhà trường nói riêng, đặc biệt là khi Khoa được giao đảm đương đào tạo chuyên ngành Bệnh học Thủy sản từ năm 2011.
Các môn học do bộ môn giảng dạy
Hiện tại Bộ môn có 7 cán bộ (2 PGS-TS, 01 TS, 01 ThS. NCS, 01 Thạc sĩ, 2 Đại học) trong đó có 4 cán bộ giảng dạy và 1 kỹ sư, 02 nghiên cứu viên. Đa phần là cán bộ trẻ đã làm Nghiên cứu sinh, thạc sỹ hoặc đang theo học Cao học tại các quốc gia như Anh, Đan Mạch, Australia, Bỉ, Nhật, Đức. Hiện tại bộ môn đang đảm nhận và tham gia giảng dạy 20 môn học để đào tạo chuyên ngành Bệnh học Thủy sản, ngành Nuôi trông Thủy sản và giảng dạy 11 môn học cao học Ngành Nuôi trồng Thủy sản.
Các thành tích nổi bật
Bộ môn Môi trường và Bệnh thủy sản đã và đang tham gia tích cực vào nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước, nhiều đề tài hợp tác Quốc tế như dự án Mekarn với Thụy điển, dự án hợp tác với Australia để hạn chế dịch bệnh trên đán cá nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, Dự án hợp tác với tổ chức CIRAS của Pháp về ứng dụng cây thảo mộc thay thế kháng sinh trong sản xuất sản phẩm thủy sản. Bộ môn cũng đã và đang đảm nhận một số đề tài từ Bộ GD&ĐT, nhiều dự án hợp tác với các địa phương như Sở KH&CN Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Lào Cai.. để phát triển các mô hình thủy đặc sản tại các địa phương. Bộ môn cũng đồng thời tích cực tổ chức nhiều chương trình đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân, chương trình đào tạo nghề qua truyền thông, tổ chức nhiều hoạt động trao đổi học thuật, các cuộc hội thảo trong và ngoài nước. Bộ môn đã tham gia hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cao cấp khoa, cấp học viện, và một số giải thưởng khác như giải khuyến khích của hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Vifotex, Giải ba tài năng khoa học trẻ sinh viên 2014.
Ngoài ra, hoạt động tư vấn chuyên môn cũng là thế mạnh rất lớn của Bộ môn môi trường và Bệnh thủy sản. Các cán bộ và giảng viên bộ môn đã tham gia tư vấn hoạt động cho dự án FSPSII tại Quảng Ninh, Huế, Sơn La, Lào Cai, Đắc Lắk… trong lĩnh vực Bệnh Thủy sản, khuyến ngư, nuôi trồng thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm và cũng đấu thầu hoàn thành tốt hoạt động Vận chuyển Động vật thủy sản sống của hợp phần POSMA. Tham gia cố vấn cho chương trình Khuyến nông do trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức, tham gia tư vấn cho nông dân qua kênh truyền thông VTC16. Bộ môn cũng đã làm các dự án đánh giá nông thôn có sự tham gia của cộng đồng, đánh giá cộng đồng có sự tham gia của người dân, quản lý nguồn lợi thủy sản dưới sự tài trợ của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới EU, DFID…
Với sự cố gắng không ngừng, bộ môn MT&BTS đã dành được nhiều thành tích đáng khích lệ như bằng khen của bộ và các tỉnh về hoạt động khoa học công nghệ, nhiều cán bộ được nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua, nhiều giáo trình, bài giảng, hàng trăm bài báo khoa học đã được đăng ở các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước.
Cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất của bộ môn gồm có 1 phòng làm việc và 3 phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bộ môn tham gia vận hành các phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu thủy sản nước ngọt tại Học viện.
Các hướng nghiên cứu chính của bộ môn
– Nghiên cứu chuyên sâu và phòng, trị bệnh thủy sản,
– Nghiên cứu kháng sinh có nguồn gốc thực vật để phòng và trị bệnh thủy sản
– Bệnh truyền lây giữa ĐVTS-Người-Gia súc
– Biến động Môi trường ảnh hưởng đến nước nuôi ĐVTS và Bệnh Thuỷ sản.
– Nghiên cứu vaccine phòng bệnh thủy sản
– Nuôi trồng thủy sản bền vững
– Liên kết trong và ngoài khoa, ngoài trường trong nghiên cứu khoa học: BM trong Khoa Thủy sản, Thú y, Công nghệ Môi trường, Công nghệ sinh học, Viện Nuôi trồng Thủy sản I.