Sản xuất
Trong những tháng tới, sản lượng cá rô phi toàn cầu có thể gặp khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng, tuy nhiên vẫn có những kỳ vọng tích cực. Các nhà sản xuất lớn như Trung Quốc, Ai Cập và một số nước Mỹ Latinh đang đối mặt với thách thức nhưng họ vẫn tiếp tục duy trì sản xuất ổn định. Ngoài ra, các nhà sản xuất nuôi cá rô phi ở Đông Nam Á và Nam Á, bao gồm Indonesia và Thái Lan, đang tăng nguồn cung, góp phần mang lại triển vọng tích cực cho ngành cá rô phi toàn cầu.
Nửa đầu năm 2023, Trung Quốc duy trì vị trí là nhà cung cấp cá rô phi lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng sản xuất đã chậm lại do thua lỗ kéo dài vì tỷ lệ thả giống giảm và chi phí thức ăn tăng cao. Thời tiết bão trong mùa hè có thể tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất cá rô phi, đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ở tỉnh Quảng Đông, khu vực sản xuất chính của Trung Quốc. Do đó, ngành cá rô phi Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng sản xuất chậm lại và có khả năng sụt giảm trong những tháng tới.
Ở những nơi khác ở châu Á, Indonesia là nước sản xuất cá rô phi lớn thứ hai nhưng phần lớn nguồn cung của họ hiện tập trung vào thị trường nội địa. Với sự hỗ trợ của chính phủ, Indonesia đã có kế hoạch mở rộng xuất khẩu. Trong nửa đầu năm 2023, Indonesia đã xuất khẩu 4.700 tấn philê cá rô phi đông lạnh, cho thấy triển vọng tích cực về sự hiện diện ngày càng tăng trên thị trường thủy sản toàn cầu.
Ai Cập là nước sản xuất cá rô phi hàng đầu ở châu Phi và là nhà sản xuất lớn thứ ba trên thế giới, với mục tiêu sản lượng cá rô phi vượt 3 triệu tấn vào năm 2025. Tuy nhiên, nước này hiện đang phải vật lộn với những thách thức như lạm phát tăng cao, thiếu ngoại tệ và sự gia tăng chi phí thức ăn thủy sản. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã tác động lớn đến ngành thủy sản của Ai Cập, gây bất ổn cho ngành cá rô phi nước này. Phần lớn sản lượng của Ai Cập được dành cho thị trường nội địa và hiện tại là loài cá được tiêu thụ phổ biến nhất ở nước này.
Ở những nơi khác, sản lượng cá rô phi của Colombia dự kiến sẽ giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 120.000 tấn do dịch bệnh bùng phát. Để chống lại sự lây lan của dịch bệnh, các nhà sản xuất đang thực hiện các quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt, chẳng hạn như thực hiện một số quy định nghiêm đối với khách tham quan. Những biện pháp này nhằm mục đích bảo vệ ngành nuôi cá rô phi và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong tương lai.
Thị trường và Thương mại
Cá rô phi hấp dẫn người tiêu dùng do giá cả phải chăng. Trung Quốc, nhà cung cấp chính trên thị trường toàn cầu, đang nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng từ các nước châu Phi và một số thị trường châu Âu. Trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc sang Mỹ đạt 57.689 tấn, trị giá 165,2 triệu USD, phản ánh mức giảm 1,6% về lượng và giảm 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu tích cực trong thương mại thủy sản Trung Quốc – Mỹ, liên quan đến cá rô phi nguyên con đông lạnh, với khối lượng tăng lên đáng kể (+28%) so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, các thị trường khác như Côte d’Ivoire, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong hoạt động nhập khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh từ Trung Quốc, với khối lượng tăng ấn tượng lần lượt là: Côte d’Ivoire +56%, Thổ Nhĩ Kỳ +103%, Malaysia +163%, Đan Mạch +244%.
Do tỷ lệ lạm phát và giá lương thực tăng cao, thị trường nhập khẩu cá rô phi của Mỹ đã suy yếu trong nửa đầu năm 2023. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (the National Oceanic and Atmospheric Administration – NOAA), tổng lượng nhập khẩu cá rô phi của Mỹ trong nửa đầu năm 2023 lên tới 86.500 tấn, trị giá 326 triệu USD, giảm 7% về lượng và giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giảm 4% lượng nhập khẩu philê cá rô phi ướp lạnh (chilled tilapia fillet) và giảm 7% lượng nhập khẩu philê cá rô phi đông lạnh (frozen tilapia fillet). Trái lại, lượng nhập khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh tăng lên đáng kể (+12%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu cá rô phi của Brazil giữ ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo Hiệp hội Thủy sản Brazil (the Brazilian Fisheries Association – PEIXE BR), xuất khẩu cá rô phi của Brazil từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023 lên tới 3.319 tấn, trị giá 11,1 triệu USD. Điều này thể hiện mức giảm 32% về khối lượng và giảm 21% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu giảm chủ yếu do xuất khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh giảm đáng kể. Cụ thể, khối lượng cá rô phi nguyên con đông lạnh giảm 43%, đạt 1.589 tấn và giá trị giảm 55% so với năm trước, đạt 3,18 triệu USD. Tuy nhiên, bất chấp dịch bệnh bùng phát, xuất khẩu philê cá rô phi ướp lạnh từ Mỹ Latinh vẫn không bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2023. Nếu xét về mặt giá trị thì phi lê cá rô phi tươi/ướp lạnh ở Mỹ Latinh nổi lên là loại sản phẩm chính, với khối lượng tăng 45% (963 tấn) và giá trị tăng 80% (6,3 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường trọng điểm của cá rô phi Mỹ Latinh. Đáng chú ý, thị trường Mỹ chiếm tới 79% xuất khẩu cá rô phi của Brazil và 92% xuất khẩu của Colombia. Nhật Bản cũng tăng cường nhập khẩu cá rô phi từ các nước châu Mỹ Latinh, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 18%. Xét về mặt giá trị, Nhật Bản đang nổi lên là thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn thứ hai của Brazil, đã nhập khẩu tổng cộng 961 tấn, trị giá 317.307 USD. Mặc dù khối lượng giảm đáng kể 46% nhưng giá trị lại tăng vọt 174% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu về cá rô phi chất lượng cao tăng mạnh (đặc biệt là để tiêu thụ sushi tại các nhà hàng) và nhìn chung giá của các sản phẩm này đều tăng lên.
Giá cả
6 tháng đầu năm 2023, do những biến động về giá nên thị trường cá rô phi Trung Quốc có sự sụt giảm trong quý 2/2023. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023, cá rô phi nguyên con tươi sống cỡ 300-500g ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) được bán ở mức 5,98 CNY (tương đương với 0,85 USD)/kg, phản ánh mức giảm 8% so với quý trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Quý 2 năm 2023, giá nhập khẩu philê đông lạnh tại Mỹ đã giảm 21%, trong khi phi lê tươi tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tại Brazil, philê cá rô phi tươi đạt giá FOB trung bình cao nhất trong quý 2 năm 2023 với mức giá 6,63 USD/kg, vượt qua phi lê cá rô phi đông lạnh có giá 6,47 USD/kg.
Dự báo
Bất chấp sự suy thoái mà các nhà sản xuất cá rô phi lớn trên toàn thế giới đang phải đối mặt do chi phí đầu vào tăng và thị trường lao động trì trệ, nguồn cung cá rô phi toàn cầu nhìn chung vẫn ổn định và triển vọng thị trường khá tích cực. Với việc các nhà cung cấp lớn như Trung Quốc và Ai Cập gặp phải tình trạng nguồn cung trì trệ, Brazil và các quốc gia khác đang nắm bắt cơ hội này để giành thị phần và nỗ lực tìm kiếm cơ hội tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường thủy sản toàn cầu. Theo đánh giá của FAO, sự thay đổi tiềm năng này cho thấy khả năng thích ứng nhanh nhạy và năng lực cạnh tranh mạnh của ngành cá rô phi thế giới trong việc đáp ứng các động lực thị trường.
Khoa Thủy sản sưu tầm