BỆNH HỌC THỦY SẢN – NGÀNH HỌC VỚI TƯƠNG LAI RỘNG MỞ

Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD/năm, chiếm hơn 25% tổng giá trị xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, ngành thủy sản còn đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó dịch bệnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và việc thâm canh hóa các mô hình nuôi trồng thủy sản là một trong những trở ngại chính, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

Do vậy, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về Bệnh học thủy sản là rất cấp thiết, nhằm đảm bảo công tác quản lý sức khỏe động vật thủy sản và quản lý dịch bệnh tại các mô hình thủy sản của cả nước nói chung và tại các doanh nghiệp nói riêng.

Sinh viên ngành Bệnh học thủy sản được học tập trong môi trường lý tưởng

Ngành Bệnh học thủy sản ra đời để giải quyết các vấn đề thực tiễn sản xuất. Ngành này đào tạo nguồn nhân lực giúp việc quản lý sức khỏe động vật thuỷ sản, phòng trừ dịch bệnh tốt hơn và ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của vụ nuôi, giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản và nâng cao chất lượng sản phẩm thuỷ sản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Hoài (bên trái, áo xanh dương) hướng dẫn sinh viên ngành Bệnh học thủy sản đọc kết quả chẩn đoán bệnh tại phòng thí nghiệm.

Sinh viên theo học ngành Bệnh học thuỷ sản sẽ được trang bị các kiến thức tổng quát về động vật thuỷ sản; các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về: quản lý môi trường nuôi và dịch bệnh thuỷ sản, chẩn đoán tại hiện trường và phòng xét nghiệm, dược lý học lâm sàng, thuốc, hoá chất, chế phẩm phòng, trị bệnh thuỷ sản.

Với hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, được đầu tư bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Thế giới (WorldBank), Khoa Thủy sản và Trung tâm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn là địa chỉ tin cậy cho việc xét nghiệm và tư vấn phòng trị bệnh thủy sản. Các phòng nghiên cứu này trở thành mô hình “Bệnh viện thủy sản”, cung cấp môi trường học tập và thực hành lý tưởng cho sinh viên.

Sinh viên ngành Bệnh học thủy sản tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam được tiếp cận thực tế ngay từ khi vào trường, có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng sau khi tốt nghiệp, và được các cơ quan tuyển dụng đánh giá cao

Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng phòng tư vấn kinh tế thương mại Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam (chi nhánh Hà Nam) cho biết, tại GreenFeed, nhân sự ngành Bệnh học thủy sản có thể chịu trách nhiệm các mảng như tư vấn kỹ thuật thương mại thủy sản, kỹ thuật thị trường, kỹ sư tại các trang trại của công ty, trại trưởng, nghiên cứu viên,… Được biết, mức lương khởi điểm của nhân sự ngành này tại GreenFeed là từ khoảng 16-20 triệu đồng/tháng. “Thị trường nói chung và công ty nói riêng hiện liên tục cần nhân lực ngành Bệnh học thủy sản. Dù lương cao nhưng nguồn nhân lực vẫn đang thiếu hụt. Để tạo động lực cho nhân viên, GreenFeed có mức thưởng khá cao cho những ai làm tốt, chẳng hạn có đợt chúng tôi đã thưởng tới 30 tháng lương/năm cho nhân viên tiêu biểu”.

Khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam có cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị được đầu tư bởi dự án Worldbank và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hệ thống ao hồ, cơ sở sản xuất và nghiên cứu hiện đại là môi trường thuận lợi cho các bạn sinh viên nghiên cứu, học tập và mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực Bệnh học Thủy sản. Ngoài ra, Khoa Thủy sản có những giảng viên trẻ, nhiệt huyết được đào tạo ở các nước phát triển trên thế giới hoàn toàn có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của bản thân. Vậy tại sao phải chờ đợi? Hãy tham gia cùng chúng tôi hôm nay và bắt đầu hành trình hướng tới một tương lai bền vững và bổ ích hơn.

Khoa Thủy sản