Symbiobe, một công ty triển khai các nghiên cứu của Đại học Kytoto cho biết, vi khuẩn tía quang hợp là nguồn thức ăn thủy sản thay thế bền vững và tiềm năng cho bột cá. Theo Shota Kato, chuyên gia tại công ty, các mẫu vi khuẩn tía quang hợp nuôi cấy trong hệ thống phòng thí nghiệm của Symbiobe sau khi được thu hoạch và sấy khô chứa khoảng 70% protein thô cùng thành phần axit amin gần giống bột cá nên có triển vọng sản xuất thức ăn thay thế để nuôi tôm hoặc cá.
Vi khuẩn tía do Công ty Symbiobe sản xuất được nuôi cấy từ nitơ trong khí quyển, carbon dioxide và ánh sáng mặt trời
Theo Kato, nguồn đầu vào để sản xuất vi khuẩn tía quang hợp chỉ ở mức tối thiểu, do đó chúng được đánh giá là thành phần thức ăn thủy sản bền vững. Là sinh vật quang hợp nên vi khuẩn tía nạp năng lượng cần thiết từ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, không giống nhiều sinh vật quang hợp khác, một số vi khuẩn tía nước mặn cũng có thể sử dụng trực tiếp nitơ từ không khí để phát triển. Do đó, vi khuẩn tía không cần sử dụng nitơ tổng hợp, giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể.
Kato cho biết: “Vi khuẩn tía do Công ty Symbiobe sản xuất được nuôi cấy từ nitơ trong khí quyển, carbon dioxide và ánh sáng mặt trời mà không cần bất kỳ chất dinh dưỡng bổ sung nào. Đây là lợi thế lớn cho sự bền vững”. Công ty đặt tên cho sản phẩm thức ăn thủy sản này là Air Feed, vì không khí trong lành chính là nguyên liệu thô duy nhất mà vi khuẩn cần để phát triển.
Nhiều lợi ích
Theo Yu Murakami, nhà nghiên cứu tại Đại học Kyoto, nuôi cá bằng vi khuẩn có thể hữu ích cho việc bảo quản chất lượng thịt bằng cách ức chế quá trình ôxy hóa suốt thời gian bảo quản và vận chuyển. Murakami đang tiến hành thử nghiệm cho ăn bằng vi khuẩn tía trên cá rô phi sông Nile và phát hiện vi khuẩn tía ức chế quá trình ôxy hóa lipid trong thịt cá. Do đó, thức ăn từ vi khuẩn tía quang hợp giúp duy trì hàm lượng của hai axit béo omega-3 quan trọng trong thịt cá.
Để đáp ứng nhu cầu tiềm năng đối với các loại thức ăn thủy sản và phụ gia có nguồn gốc vi khuẩn quang hợp bền vững, Công ty Symbiobe đang lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất thông qua hợp tác để xây dựng nhà máy phản ứng quang sinh học tiếp theo ở quy mô bán thương mại. Sau đó, công ty sẽ đánh giá khả thi về mặt kinh tế cùng các chỉ số bền vững quan trọng khác như lượng khí thải carbon trong lộ trình 3 – 4 năm.
Nguồn: https://contom.vn/vi-khuan-tia-quang-hop-nguon-thuc-an-thuy-san-trien-vong-article-24818.tsvn