Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn đầy thách thức cho ngành tôm Việt Nam. Dịch bệnh, thời tiết cực đoan và sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, khiến giá tôm biến động không ổn định và gây khó khăn cho người nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh những trở ngại, ngành tôm Việt Nam cũng ghi nhận nhiều điểm sáng, như sự tăng trưởng trong xuất khẩu và làn sóng mua bán, sáp nhập, mở rộng quy mô mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Hãy cùng Người Nuôi Tôm điểm lại những dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2024.
Giá tôm liên tục “nhảy múa”
Trong năm 2024, giá thu mua tôm thẻ chân trắng đã có nhiều biến động. Đầu năm, giá tăng mạnh nhờ nhu cầu xuất khẩu cao từ Hoa Kỳ và châu Âu, cùng với tình trạng khan hiếm nguồn cung trong nước. Đến giữa năm, giá giảm sâu từ 50.000 – 60.000 đồng/kg do sản lượng tăng và cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, trong tháng 6 và tháng 7, giá tôm “chạm đáy” so với các năm trước, gây khó khăn cho người nuôi, nhất là những người áp dụng phương pháp nuôi siêu thâm canh.
Bắt đầu từ tháng 10/2024, giá tôm thẻ chân trắng đã khởi sắc, đạt mức cao nhất trong 3 tháng trước đó, mang lại lợi nhuận từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Sự phục hồi này chủ yếu nhờ vào nhu cầu tăng trong mùa lễ hội và các chương trình khuyến mãi từ doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, lúc này người nuôi tôm lại không còn nhiều tôm để bán do trước đó đã ngưng nuôi và thua lỗ do dịch bệnh.
Năm 2024, giá tôm thương phẩm tiếp tục đối diện với những biến động
Xuất khẩu tăng trưởng 14%, thị trường Hala là điểm sáng mới
Năm 2024, ngành tôm Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức, đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng gần 4 tỷ USD, tăng 14%, khẳng định vị thế của mình và góp phần vào kỷ lục 10 tỷ USD của toàn ngành thủy sản. Sự phục hồi này chủ yếu nhờ vào nhu cầu tăng cao từ các thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thị trường Halal đang mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tại các quốc gia Hồi giáo như Malaysia, Indonesia và Trung Đông. Năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Trung Đông đạt 367 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 19%. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ của khu vực này đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam trong tương lai.
Xuất khẩu tôm tiếp tục là “át chủ bài” của ngành thủy sản
EHP vẫn là nỗi ám ảnh chưa được giải quyết
Bệnh EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với ngành tôm Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao ở tôm nuôi và khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tôm xuất khẩu mà còn gây khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường khó tính. Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc nghiên cứu và phát triển phương pháp điều trị, nhưng đến nay, EHP vẫn là một thách thức lớn mà người nuôi tôm chưa thể khắc phục triệt để.
Ngoài ra, tình trạng dịch bệnh do suy thoái môi trường nuôi đã tạo ra nhiều thách thức. Theo thống kê, diện tích nuôi tôm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lên tới 4.121 ha. Các loại bệnh chủ yếu bao gồm: bệnh đỏ thân (643 ha), đốm trắng (WSSV) (1.034 ha), hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) (1.009 ha), cùng với bệnh còi và vi bào tử trùng (EHP) và TPD.
Dịch bệnh, đặc biệt là EHP vẫn chưa có phương pháp giải quyết triệt để
Người nuôi tôm hùm thêm một năm lao đao
Người nuôi tôm hùm bước vào năm 2024 với nhiều khó khăn do Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu. Tôm hùm bông phải kêu gọi giải cứu khi giá bán chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/kg, giảm 40% so với cùng kỳ. Mặc dù giá thấp, họ vẫn chấp nhận bán để tránh lỗ nặng từ chi phí thức ăn và rủi ro tôm chết. Hầu hết người nuôi đều lỗ, với thiệt hại từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Giữa năm, tình hình càng tồi tệ hơn khi tôm hùm chết hàng loạt do dịch bệnh, môi trường nuôi kém và mật độ nuôi dày, dẫn đến thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Bệnh sữa vẫn là vấn đề dai dẳng.
Những tháng cuối năm, người nuôi tôm hùm lại khốn đốn khi Trung Quốc chỉ tiêu thụ tôm dưới 0,3 kg, khiến giá tôm lớn giảm mạnh và họ phải bán cắt lỗ. Nhìn lại cả năm, nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam rõ ràng phụ thuộc quá nhiều vào con giống và thị trường, cho thấy chúng ta chưa có sự chủ động trong lĩnh vực này.
Năm 2024 tiếp tục là một năm sóng gió với người nuôi tôm hùm (Ảnh: ST)
Làn sóng mua bán, sáp nhập, mở rộng quy mô của doanh nghiệp
Năm 2024, ngành tôm đã chứng kiến một làn sóng mạnh mẽ về mua bán, sáp nhập và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp. Dù gặp nhiều thách thức, một số công ty như Elanco đã quyết định rao bán mảng thủy sản, trong khi những doanh nghiệp khác lại tích cực mở rộng hoạt động. De Heus đã khánh thành nhà máy thức ăn tôm tại Vĩnh Long, Tập đoàn Thăng Long đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tại Hải Dương và Tập đoàn HaiD cũng ra mắt nhà máy tại Vĩnh Long. Đồng thời, Việt Nhật cũng bắt tay vào xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi và thủy sản tại Đồng Nai. Những động thái này cho thấy, mặc dù thị trường gặp khó khăn, nhưng tiềm năng phát triển trong lĩnh vực thức ăn thủy sản tại Việt Nam vẫn rất lớn.
Tập đoàn HaiD khánh thành và đi vào hoạt động dây chuyền sản xuất thức ăn tôm tại Nhà máy sản xuất TATS Hải Đại Vĩnh Long, ngày 8/8/2024
“Mất trắng” sau bão Yagi lịch sử
Tháng 9/2024, là một cột mốc khó phai đối với người nuôi tôm miền Bắc. Người nuôi tôm rơi vào tình trạng khốn đốn khi cơn bão số 3 (bão Yagi) bất ngờ ập đến, tàn phá hàng nghìn hecta ao nuôi và gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng. Sau những biến động về giá cả và dịch bệnh, cơn bão này đã hoàn toàn đánh gục tinh thần của người nuôi tôm. Theo thống kê, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại lên tới 8.104,14 ha, với tổng thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão ước tính lên đến khoảng 2.503,045 tỷ đồng. Ngay sau đó, Nhà nước đã có gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng. Sự hỗ trợ kịp thời này cùng với sự ủng hộ của các hội, hiệp hội, tổ chức đã góp phần vực dậy tinh thần cho người nông dân.
Cơn bão lịch sử, bão Yagi đã tàn phá nặng nề ngành thủy sản miền Bắc (Ảnh: St)
Tinh gọn bộ máy – đột phá mạnh mẽ về thể chế
Bộ NN&PTNT vừa có quyết định lịch sử khi quyết định sáp nhập Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư thành một đơn vị mới – Cục Thủy sản – Kiểm ngư. Quyết định này được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích lớn cho ngành thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực tôm. Việc hợp nhất hai cơ quan sẽ giúp tăng cường hiệu quả quản lý, rút ngắn thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản. Với cơ chế quản lý mới, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa trong việc tiếp cận các nguồn lực, thông tin và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, việc giảm bớt các thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ghi dấu ấn với những cam kết phát triển bền vững
Năm 2024 chứng kiến những bước tiến đáng kể của ngành tôm Việt Nam trong việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững. Thuật ngữ “Xanh” được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào công nghệ nuôi tôm xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được chứng nhận ASC, GlobalGAP, BAP.
Chuyển đổi xanh tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh
Tháng 8/2024, Tổ chức Liên minh Thủy sản Toàn cầu đã trao chứng nhận quốc tế tiêu chuẩn BAP cho tôm Cà Mau, đánh dấu chứng nhận đầu tiên tại Việt Nam từ vùng chuyên canh lúa tôm. Ngày 27/10, Cà Mau tiếp tục nhận Chứng nhận ASC Group cho gần 600ha tôm sú nuôi xen canh trên đất lúa tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Đây không chỉ là diện tích tôm sú đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận ASC Group mà còn là đầu tiên trên thế giới.