Đây là giải pháp thay thế 100% kháng sinh mà vẫn giúp người nông dân thu về sản lượng tôm cao ngay cả trong khu dịch bệnh.
MIDOLI giải pháp thay thế 100% kháng sinh trong nuôi tôm
Với mong muốn cung cấp các giải pháp công nghệ sinh học cho nông nghiệp theo hướng an toàn và bền vững, ThS. Nguyễn Văn Minh (TTNC và Ứng dụng CNSH, trường ĐH Mở TP. HCM) và các cộng sự đã thành lập nên MIDOLI, startup chuyên cung cấp bộ sản phẩm và quy trình dựa trên các chủng vi sinh có lợi cho cây trồng, thủy sản trong điều kiện sinh thái tại Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là ThS. Nguyễn Văn Minh đã xây dựng công thức tạo viên nén và đánh giá mật độ vi sinh sau 12 tháng bảo quản cho bốn loại chế phẩm vi sinh thủy sản, gồm: chế phẩm vi sinh cho nuôi tôm (Microsol Aclean-S và Microsol AQRich-S); chế phẩm vi sinh cho cá tra (Microsol Aclean-F và Microsol AQRich-F). Hiện tại nhóm đã phát triển công nghệ tạo bào tử 2 chủng Bacillus đạt mật độ cao ≥ 1010 CFU/mL(g). Các chủng Bacillus mật độ cao sẽ giúp tối ưu hóa chi phí, tăng thời gian bảo quản của các sản phẩm sử dụng 2 chủng Bacillus này.
Thông thường, ở Việt Nam các chế phẩm vi sinh trong nước chỉ có mật độ 108, trong khi các sản phẩm nước ngoài mật độ 1010 thì lại vô cùng đắt đỏ. “Chúng tôi có thể tạo ra viên nén vi sinh mật độ 1010 với chi phí rẻ hơn nhờ công nghệ tối ưu hoá bào tử”, ThS. Nguyễn Văn Minh chia sẻ. Sau hai năm, khi kiểm tra lại, mật độ bào tử trong sản phẩm vẫn đạt mức trên 1010 CFU/mL(g).
Để kiểm chứng mức độ hiệu quả của chế phẩm, nhóm nghiên cứu đã đánh giá dựa trên khả năng phòng bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm. Khi tôm ăn phải vi khuẩn V. parahaemolyticus, vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa của chúng, xâm chiếm gan tụy và bắt đầu tiết ra các protein độc hại, dẫn đến bong tróc và hoại tử hàng loạt các tế bào biểu mô ống trong gan tụy. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng chế phẩm vi sinh để phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ 80% số tôm trước căn bệnh này, gần với tỷ lệ sử dụng vaccine.
Tại một ao tôm ở Sóc Trăng, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm chế phẩm vi sinh trong 87 ngày và thu về lượng tôm khả quan. “Thời điểm đó là dịp gần Tết, rất khó để nuôi tôm bởi môi trường biến động. Các hộ xung quanh hầu như đều ‘rớt’ tôm hết, không ai qua được 30 ngày, nhưng chúng tôi thử nghiệm tại ao này hai lần và đều ‘thắng’ cả”, ThS. Minh nhớ lại.
“Những giải pháp sinh học này thực chất đều không mới, nhưng nó có tính thực tế và chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận để triển khai rộng rãi”, ThS. Minh nhìn nhận.
Bộ giải pháp của MIDOLI bao gồm MICROSOL, giải pháp công nghệ vi sinh thay thế kháng sinh trong nuôi tôm. Giải pháp cung cấp bộ sản phẩm vi sinh kiểm soát vi khuẩn gây bệnh hữu hiệu và cung cấp quy trình sử dụng tại ao tôm giúp người nuôi tối ưu hóa được hoạt tính. Giải pháp còn đem lại hiệu quả ổn định về các chỉ số môi trường nước như các khí độc: NH3, NO2, H2S và hỗ trợ tiêu hóa. Giải pháp này đã được trao giải Nhất cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao và Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM phối hợp tổ chức.
Ở mỗi sản phẩm đều có công thức phối trộn với công nghệ sản xuất mật độ cao và tạo bào tử giúp tăng khả năng sống sót, duy trì ổn định hoạt tính và bảo quản trong thời gian dài. Sản phẩm ở dạng bột hoặc dạng nước và đang được nghiên cứu hoàn thiện ở dạng viên nén nhỏ gọn, thuận tiện cho việc sử dụng và vận chuyển. Hiện tại, các giải pháp đã được thử nghiệm thực tế trên nhiều ao nuôi tôm thương phẩm.
Khoa Thủy sản sưu tầm