Sản xuất lúa – tôm hữu cơ đang phát triển mạnh ở nhiều đại phương, là mô hình tốt cho môi trường, hiệu quả cao và là hướng đi bền vững.
Điều kiện ao
– Ao lắng: Nhằm chủ động nước, lắng lọc phù sa, ngăn cá tạp… thì khuyến cáo nên dành diện tích nhỏ hoặc tận dụng ao có sẵn làm ao lắng.
– Ao ương: Nên dành diện tích nhỏ (100 – 500 m2) để ương tôm. Có thể sử dụng lưới mành ngăn một phần ngay trong ao nuôi để làm ao ương. Hoặc làm bể ương: bằng bạt nhựa, hình tròn, khung sắt hoặc composite, thể tích 60 – 100 m3.
– Ao nuôi cần được gia cố kỹ đảm bảo vững chắc, không rò rỉ để giữ được nước và tôm. Bờ bao phải cao hơn mực nước triều cao nhất trong năm khoảng 0,2 – 0,3 m. Mặt bờ rộng ít nhất từ 1,5 – 2 m, đáy bờ từ 3 – 5 m và bờ phải cao hơn mặt trảng 0,8 – 1 m để có thể giữ được mực nước trên mặt trảng ít nhất là từ 0,5 – 0,6 m. Thông thường, diện tích mương chiếm tỷ lệ khoảng 25 – 30% diện tích ao nuôi. Mương bao quanh ao nuôi có chiều rộng từ 4 – 6 m, sâu khoảng 1,2 – 1,5 m. Đảm bảo mực nước trên mặt trảng từ 0,5 – 0,6 m. Ngoài mương bao xung quanh ao nuôi, có thể thiết kế thêm các mương phụ theo hình bàn cờ (hoặc xương cá) có chiều rộng từ 1 – 2 m để tăng diện tích trú ẩn cho tôm khi thời tiết thay đổi và nắng nóng. Nên thiết kế đáy mương có độ nghiêng để rút cạn khô ao khi cải tạo.
Trồng lúa hữu cơ tạo môi trường sạch để nuôi tôm. Ảnh: ST
Cải tạo ao
Sau thu hoạch lúa, tiến hành cắt gốc rạ chỉ chừa lại khoảng 20 cm, cho nước vào 4 – 5 ngày dùng máy xới mặt ruộng sau đó rửa lại mặt ruộng từ 1 – 2 lần. Trường hợp không thể xới được mặt ruộng thì nên cắt bớt gốc rạ trên ruộng, gom lại đem lên bờ. Vệ sinh toàn bộ khu vực ao nuôi, dọn sạch rong, cỏ và gia cố bờ bao, cống.
Tùy theo điều kiện từng ao nuôi, có thể tiến hành sên vét từng phần hoặc toàn bộ. Sên vét hết lớp bùn đen ở đáy mương bao vào khu chứa bùn. Tháo rửa ao nuôi 2 – 3 lần. Phơi ao từ 5 – 7 ngày cho đến khi đất có vết nứt chân chim. Tùy điều kiện thực tế, tuy nhiên trước khi phơi, ao nuôi phải được bón vôi. Đối với những ao bị nhiễm phèn (pH < 5), không nên phơi đáy đến nứt nẻ để tránh xì phèn, sau khi rải vôi 1 ngày thì tiến hành cấp nước. Sau đó bón phân nguồn gốc hữu cơ như phân trùn quế, phân bã mía, phân rác… để cải thiện môi trường, tăng dinh dưỡng cho ao nuôi, tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm phát triển nhanh. Liều lượng sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Có thể lấy nước vào ao qua lưới lọc hoặc trực tiếp vào ao. Lưới lọc dài từ 5 -6 m, hình chóp bằng vải hoặc lưới mịn. Dùng thuốc cá bột Saponin hoặc sử dụng dây thuốc cá để diệt cá tạp trong ao. Mực nước ở cần thiết để diệt cá tạp từ 10 – 15 cm. Saponin cần được ngâm trước 24 giờ để tăng hiệu quả. Thời điểm sử dụng tốt nhất từ 4h30 – 6h30 sáng. Liều lượng tùy thuộc vào độ mặn của nước: Nước có độ mặn < 20‰: Sử dụng từ 15 – 20 kg/1.000 m3; Nước có độ mặn > 20‰: Sử dụng từ 10 – 15 kg/1.000 m3.
Sau 3 – 5 ngày lấy nước vào ao, nếu nước ao có màu xanh đọt chuối hoặc vàng nâu và độ trong 25 – 35 cm là đạt yêu cầu. Nếu nước trong, màu nhạt thì có thể sử dụng phân hữu cơ 2 – 3 kg/1.000 m3 trong 2 – 3 ngày để gây màu nước. Sau khi gây màu 2 – 3 ngày nước có màu xanh vỏ đậu hoặc màu trà (vàng nâu) là đạt yêu cầu, ngoài ra cần kiểm tra một số thông số môi trường nước trước khi tiến hành thả giống.
Chọn giống
Trước khi mua giống tiến hành đo môi trường nước ao nuôi gửi đến nơi cung cấp giống. Chỉ được thả giống ở những cơ sở có chứng nhận hữu cơ và có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về sản xuất, ương dưỡng giống.
Chọn con giống theo tiêu chuẩn: Khỏe mạnh, phản xạ nhanh và bơi ngược dòng nước, sạch bệnh. Tôm giống phải qua kiểm dịch và xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, đầu vàng, Taura, MBV, hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng. Tôm giống cỡ PL12 – 15, chiều dài: 12 – 15 mm. Tỷ lệ đồng cỡ > 95%, có màu sáng, di chuyển nhanh, bơi lội linh hoạt, phản xạ nhanh với ánh sáng và tiếng động, khấy nhẹ nước tôm bơi ngược dòng.
Trước khi thả tôm vào ao cần kiểm tra các yếu tố môi trường: pH, độ mặn, nhiệt độ và điều chỉnh (thuần) nếu có sự chênh lệch quá cao giữ bọc tôm và nơi thả giống trong ao.
Mật độ thả: Mật độ thả giống ≤ 22 con/m2.
Thức ăn
Tôm nuôi có thể sử dụng thức ăn tự nhiên hoặc thức ăn bổ sung do cơ sở nuôi tự chế biến. Thức ăn tự nhiên bao gồm: Mùn bã hữu cơ và các động thực vật phù du và giáp xác nhỏ trong ao nuôi tôm. Thức ăn tự chế phải được chế biến từ các thành phần hữu cơ, phải tương thích với chế độ ăn trong môi trường tự nhiên và đáp ứng với nhu cầu dinh dưỡng của tôm. Các nguyên liệu và phụ gia sử dụng của thức ăn tự chế phải tuân thủ quy định về thức ăn nuôi tôm hữu cơ. Ngoài ra có thể bổ sung thức ăn tôm công nghiệp, nhưng phải được chứng nhận là thức ăn hữu cơ. Liều lượng cho ăn tùy theo mật độ và kích cỡ tôm nuôi.
Quản lý
Thường xuyên kiểm tra bờ bao, lưới chắn, cống (ống bọng); lấp hết các lỗ mọi xung quanh bờ và gần cống đảm bảo duy trì mực nước ao và tránh thất thoát tôm.
Quan sát và có biện pháp phòng tránh các loài địch hại: chim, cò, cá dữ, rắn…
Thường xuyên quan sát hoạt động của tôm để kịp thời xử lý các tình huống bất thường, nhất là vào sáng sớm và ban đêm.
Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường: pH, độ kiềm, độ trong, màu nước, khí độ NH3+, H2S… nhằm phát hiện và điều chỉnh các yếu tố môi trường thích hợp cho tôm.
Chăm sóc
Thường xuyên quan sát hoạt động và sức khỏe của tôm trong ao lúc sáng sớm và ban đêm, đặc biệt là quan sát vào ban đêm bằng đèn pin.
Khi tôm nuôi được 30 ngày tuổi, có thể dùng lú hoặc chài định kỳ 7 – 10 ngày/lần để kiểm tra sức khỏe. Quan sát bên ngoài (màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột…) để có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
Không lấy nước vào ao khi có dịch bệnh xảy ra. Khi ao nuôi có tôm bệnh hoặc chết, vớt tôm khỏi ao, đốt hoặc chôn lấp, không được vứt bỏ xác tôm chết và xả nước từ ao nuôi ra môi trường xung quanh.
Thu hoạch
Tôm sú nuôi sau 3 – 4 tháng (từ khi thả giống) đạt kích cỡ theo nhu cầu của thị trường thì có thể bắt đầu thu hoạch. Trước khi thu hoạch, cần theo dõi chu kỳ lột xác của tôm và tránh thu khi tôm còn mềm vỏ dẫn đến giảm chất lượng.
>> Tôm sau khi được bảo quản sẽ được vận chuyển đến nhà máy chế biến trong ngày để đảm bảo tôm đạt chất lượng tốt nhất. Phương tiện vận chuyển (có thể vận chuyển bằng xe hoặc tàu) phương tiện phải vệ sinh trước (có báo cáo lưu hồ sơ) và phải được niêm phong và có nhân viên giám sát đi cùng. |
Khoa Thủy sản sưu tầm