Cuối tháng 3 đầu tháng 4 thường là đúng vụ sinh sản của nhiều loài cá tôm. Cũng là thời điểm phù hợp để các em sinh viên Khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có cơ hội đến các trang trại lớn thực tập giáo trình góp phần hoàn thiện chương trình học có thực hành tại thực địa. Năm 2023 này, các em được đến trang trại nuôi thủy sản nước lợ của Công ty TNHH Thủy sản Bảo Minh, xóm Chùa, thôn Đông Ninh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Ở đây, các em được thực hành nuôi nhiều cá đang nuôi lồng “nước lợ” như cá Rô phi, Điêu hồng, Vược và đặc biệt là cá Tầm.
Cá tầm là tên gọi chung của một chi cá có tên khoa học là Acipenser, chúng bao gồm nhiều loài đã được ghi nhận trong các báo cáo khoa học. Đây không chỉ là một trong những loài cá “nước ngọt” có kích thước lớn mà chúng còn là loài sống lâu nhất, nhiều con có thể sống tới 150 năm. Cá tầm ngon, bổ dưỡng, có giá trị kinh tế cao và không phải lo lắng về đầu ra. Giá cá nguyên con hiện nay từ 180.000 – 200.000 Đồng/kg. Trứng cá tầm đen có giá bán rất cao từ 2.000 – 8.000 Euro/kg. Hiện nay cá tầm chỉ còn lại khoảng 22 loài. Trong đó có một số loài cá tầm rất quý hiếm như cá tầm Siberian, Russian, Sterlet. Cá tầm Trung Quốc đang có nguy cơ bị diệt chủng. Với lịch sử 140 triệu năm, cá tầm Trung Quốc là một trong những động vật có xương sống cổ xưa nhất trên trái đất và được bảo vệ cao cấp nhất ở Trung Quốc. Ngày 23/03/2023 là lần thứ 68 phóng sinh tính từ năm 1984, Trung Quốc thả 100.000 cá tầm (có độ tuổi từ 6 tháng đến 14 năm) có gắn chip (nhằm cung cấp thông tin cho các biện pháp bảo vệ trong tương lai) xuống sông Trường Giang như một phần nỗ lực bảo vệ loài cá cực kỳ nguy cấp này.
Riêng cá tầm Russian có thể thích nghi sống khỏe mạnh được trong điều kiện nhiệt độ nước khắc nghiệt hơn từ 10 – 290C. Cá tầm sống trong môi trường nước lạnh, sạch và oxy hòa tan cao. Vì vậy, hầu hết các tỉnh trung du miền núi ở nước ta, nơi có diện tích hồ chứa lớn, đều có thể tận dụng để nuôi thương phẩm cá tầm. Tại Sapa và Lâm Đồng, nơi được thiên nhiên ưu đãi về thời tiết và khí hậu là nơi lý tưởng để nuôi loài cá này.Trong điều kiện nuôi lồng bè, một năm cá tầm có thể đạt kích cỡ từ 1,5 – 2 kg/con. Tùy vào môi trường sống mà màu sắc của cá tầm có thể thay đổi khác nhau. Cá Tầm của Công ty TNHH Thủy sản Bảo Minh có màu nâu nhạt, khác so với màu đen, xanh đen như cá tầm nuôi trên các vùng núi cao. Cá được nuôi trong môi trường nước lợ từ 13-15 ‰. Anh Phạm Văn Nhiêu đã quyết định thử nghiệm nuôi cá tầm nước lợ lần đầu tiên tại các lồng cá trên sông Thái Bình thuộc Công ty của mình. Kết quả thu được ngoài sự mong đợi của Anh và cộng sự, đàn cá không chỉ mau lớn (tốc độ tăng trưởng của cá đạt 0,5kg/cá/tháng mùa Đông), màu sắc sáng bóng, khỏe mạnh, đặc biệt cá có màu nâu nhạt rất bắt mắt khiến có thể tăng nhu cầu mua cá tầm màu màu mới này thay vì màu xanh đen như đang có phổ biến trên thị trường hiện nay. Mặc dù giá cá tầm Trung quốc chỉ có 200.000 Đồng/Kg nhưng Thương lái vẫn đang mua sỉ với 240.000-260.000 Đồng/Kg cá tầm Bảo Minh (cao hơn hẳn giá cá thông thường) bởi vì thịt cá thơm ngon, lát cắt khúc cá nhìn rõ vân chỉ màu vàng. Với tiềm lực lớn của công ty, trong những năm tiếp theo, đàn cá tầm nuôi lồng nước lợ sẽ được tăng nhanh về số lượng cho thấy cơ hội trong việc mở ra một hướng đi mới trong nuôi thủy sản nước lợ cho bà con nông dân và cho doanh nghiệp trong sản xuất hàng hóa số lượng lớn. Như vậy, hướng đi mới của anh Nhiêu không chỉ góp phần rất lớn trong việc nghiên cứu khoa học để chuẩn hóa quy trình nuôi cá Tầm nước lợ mà còn góp phần phát triển hàng hóa số lượng lớn vì diện tích lòng hồ nước lạnh trên núi cao ở nước ta có hạn về mặt diện tích. Bên cạnh việc mở rộng vùng nuôi, việc anh Nhiêu đang làm với con cá Tầm còn góp phần bảo vệ loài cá có nguy cơ tuyệt chủng cao hiện nay. Từ đó, Công ty góp phần rất lớn trong việc phát triển thủy sản bền vững và có trách nhiệm. Như vậy, các em sinh viên Khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam không chỉ được rèn kỹ năng nghề mà còn được đồng hành trở thành những người làm nghề có tư duy sáng tạo và trách nhiệm với cộng đồng.
TS: Đoàn Thanh Loan sưu tầm