TiLV TRÊN CÁ RÔ PHI, BIỆN PHÁP CHẨN ĐOÁN VÀ PHÒNG BỆNH

Chiều ngày 22/05/2023, nhóm nghiên cứu mạnh Bệnh Thủy sản – Khoa Thủy sản phối hợp cùng các chuyên gia khách mời tổ chức buổi seminar khoa học liên quan đến bệnh mới nổi trên cá rô phi. Tại buổi chia sẻ, chuyên gia Ha Thanh Dong – giảng viên Viện Công nghệ châu Á (AIT) đã có những trao đổi về chủ đề: “TiLV trên cá rô phi, biện pháp chẩn đoán và phòng bệnh”. Buổi seminar do PGS.TS. Trương Đình Hoài là chủ tọa với sự tham gia của các cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong Khoa.

Trong buổi seminar, TS. Ha Thanh Dong đã mô tả lên một bức tranh tổng thể về bệnh TiLV trên cá rô phi trên toàn thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á và Việt Nam. Chuyên gia bắt đầu bài trình bày với thông tin về tác nhân gây bệnh bao gồm: một số cơ chế đặc tính; vật chất di truyền. Theo nghiên cứu của các tác giả Eyngor & cs., 2014; Surachetpong & cs., 2017, tác nhân gây bệnh có kích thước rất nhỏ, chỉ từ 55 – 100nm. Hiện nay, trên Genbank đã có dữ liệu về giải trình trình tự gen của cá nuôi và tự nhiên tại một số nước như: Ecuador, Egypt, India, Israel, Malaysia, Tanzania (hồ Victoria), Thailand, Uganda (hồ Victoria). Tuy nhiên, một số báo cáo ước tính virus gây bệnh này đã xuất hiện ở hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới. Cũng theo chuyên gia, rô phi lai tạo phục vụ nuôi thương phẩm thường mẫn cảm với loại bệnh này. Bên cạnh đó, các ca bệnh cũng được ghi nhận trên một số loài rô phi trong tự nhiên. Virus gây bệnh được tìm thấy ở tất cả các giai đoạn trong vòng đời của cá, đặc biệt là giai đoạn ấu trùng và giai đoạn giống.

 

Nguồn: Mona et al., 2018 (Reviews in Aquaculture)

Bệnh TiLV đang trở thành mối nguy lớn cho nghề nuôi cá rô phi khi gây ra tỉ lệ chết rất cao. Tại Israel, nhiều ca bệnh ghi nhận tỉ lệ chết trên 80% đàn cá. Các yếu tố nguy cơ đáng chú ý là: dòng cá, mật độ thả, kích cỡ cá khi vận chuyển đánh bắt, thời tiết, nhiệt độ, oxy hòa tan… Ngoài ra, hiện tượng đồng nhiễm, bội nhiễm các bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm khác cũng thường xuyên xuất hiện ở các ca bệnh tại Thái Lan, Ai Cập làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh và tỉ lệ chết. Bệnh thường không có triệu chứng và dấu hiệu bệnh lý cố định, điển hình mà phụ thuộc vào nguồn gốc và khu vực địa lý.

Tóm lại, TiLV là một mầm bệnh virus mới xuất hiện, gây ra mối đe dọa tiềm ẩn đối với ngành cá rô phi toàn cầu. Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu về loại bệnh này. Để hạn chế tác động tiêu cực và ngăn chặn sự lây lan thêm của vi-rút, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, đặc biệt là biện pháp an toàn sinh học trong thương mại quốc tế. Cần xây dựng quy định rõ ràng và kiểm soát nghiêm ngặt nguồn giống cũng như sản phẩm sơ chế nhằm ngăn chặn sự lây lan TiLV, đồng thời sẵn sàng để ứng phó nhanh với các bệnh mới nổi khác trong tương lai.

 Một số hình ảnh hoạt động

                                                                                                     Nhóm NCM Bệnh Thủy sản