Giảm sử dụng protein truyền thống, giảm sử dụng kháng sinh là một trong những yêu cầu cấp bách mà ngành thủy sản buộc phải thay đổi để hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo quốc tế ngành thủy sản năm 2023 với chủ đề “Vượt qua khủng hoảng, phát triển thịnh vượng” do Ban Tổ chức Aquaculture VietNam 2023 phối hợp Hội nghề cá Việt Nam, Hội thủy sản Việt Nam tổ chức.
Đây là cơ hội để chia sẻ kiến thức, nền tảng khuyến khích giúp doanh nghiệp khối tư nhân và doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ có thể kết hợp với nhau để tạo ra những sản phẩm ngành thủy sản bền vững.
Thách thức lớn
Ngành thủy sản Việt Nam là 1 trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn, đã tạo công ăn việc làm cho gần 5 triệu lao động trên khắp Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam có những bước tăng trưởng ổn định, góp phần tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Năm 2022, là năm ghi nhận ngành thủy sản Việt Nam đạt mức xuất khẩu 11 tỷ USD, tuy nhiên đến quý 4/2022 ngành thủy sản Việt Nam dưới tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu… đã rơi vào tình trạng khủng hoảng khó khăn. Đây là đợt khủng khoảng kéo dài nhất, khó khăn nhất và trầm trọng nhất trong 15 năm qua.
Theo ông Arjen Roem, Giám đốc Marketing Nutreco Châu Á (Tập đoàn mẹ của Skretting), kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe, an ninh lương thực và phát triển toàn cầu. Trên toàn cầu, 70% kháng sinh được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, 30% dùng trong sức khỏe con người.
Đặc biệt, kháng kháng sinh là mối nguy hiểm cho sức khỏe của cá và tôm. Có tới 64% người nuôi cá và 24% người nuôi tôm sử dụng kháng sinh trong quá trình sản xuất. Chủ yếu được sử dụng để chữa bệnh, nhưng hầu hết nông dân không phải là chuyên gia nên việc sử dụng thuốc không theo chỉ định sẽ dẫn đến dư lượng kháng sinh trong quá trình thu hoạch thủy hải sản xuất khẩu.
Để sản xuất ra 1 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm, Việt Nam cần một nguồn tài nguyên khá lớn: 5,59 ha đất; 45.500m3 nước; 24.863kWh năng lượng và phát thải hơn 13 tấn khí nhà kính CO2.
Thống kê cho thấy, dư lượng kháng sinh sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào EU chiếm 28% và nhập khẩu vào Hoa Kỳ chiếm 20%, dẫn đến việc 2 nước này từ chối nhập khẩu. Trong đó, hàng của Việt Nam bị từ chối nhiều nhất do dư lượng kháng sinh trong thủy sản. Đây cũng là thách thức lớn trong ngành thủy sản Việt Nam.
Chính vì vậy, chuyên gia này cho rằng, cần phải có hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh một cách có trách nhiệm, nâng cao nhận thức, giúp người nông dân hiểu được việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp. Đặc biệt, hướng tới quy trình chăn nuôi không kháng sinh.
Một trong những thách thức hiện nay của ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tôm đang phải đối diện với sự cạnh tranh lớn về giá so với các nước xuất khẩu như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan. Đặt ra bài toán, làm sao để ngành tôm “lột xác” trong thời gian tới.
TS Trần Hữu Lộc, chuyên gia trong lĩnh vực nuôi tôm, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho rằng, tổng chi phí (thức ăn, chăm sóc, nhân lực…) cho 1kg tôm ở Ecuador chỉ tốn khoảng 2 USD; Ấn Độ khoảng 2,5 USD; trong khi đó ở Việt Nam tốn khoảng 3,35 USD. Chính điều này vô tình đẩy giá tôm Việt Nam lên cao hơn, kém cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Vì vậy, TS Lộc cho rằng, cần phải phát triển nhiều về công nghệ, kỹ thuật trong nuôi tôm để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh về giá tôm Việt Nam so với các quốc gia khác, đặc biệt là Ecuador.
TS Lộc cũng đồng quan điểm với ông Arjen Roem rằng, trước mắt phải gia tăng chất lượng tôm bằng cách ngưng hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh để sản phẩm tôm Việt Nam đạt chuẩn xuất khẩu.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Bảo Đăng, Quản lý dự án Công ty CP Rynan Smart Aquaculture (Trà Vinh) thông tin, để sản xuất ra 1 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm, Việt Nam cần một nguồn tài nguyên khá lớn: 5,59 ha đất; 45.500m3 nước; 24.863kWh năng lượng và phát thải hơn 13 tấn khí nhà kính CO2. Trong khi đó, để tạo ra 1 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm, Equador cần 1,96ha đất; 76.800m3 nước; 15.559kWh năng lượng. Ấn Độ cần 3,45ha đất; 39.200m3 nước; 25.000kWh năng lượng.
Vì vậy, để đạt mục tiêu của Chính phủ phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050 là thách thức lớn cho ngành thủy sản.
Nhiều giải pháp phát triển bền vững
Trước thực tế đó, Rynan Smart Aquaculture đã đưa ra mô hình nuôi tôm thâm canh không phát thải, hướng tới phát triển bền vững ngành nuôi tôm Việt Nam tại tỉnh Trà Vinh. Một trong những điều kiện cần ở mô hình này là bảo tồn, trồng mới rừng ngập mặn; Ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng; Tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước và năng lượng; Nuôi tôm kết hợp với các loài khác để đảm bảo đa dạng sinh học cũng như tính hiệu quả để tuần hoàn được nguồn tài nguyên sử dụng; Ứng dụng công nghệ số và thông tin truyền thông trong vận hành để tăng hiệu quả và tạo ra giá trị mới.
Ông Simon Sanguin, Trưởng nhóm R&D toàn cầu của De Heus – Aqua cho rằng, Việt Nam có lợi thế khi ký kết các hiệp định thương mại EVFTA, giúp cho nhiều dòng thuế đảm bảo thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được xóa bỏ. Tuy nhiên, châu Âu vẫn yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS). Do đó, cần phải tuân thủ các quy tắc này để có thể tiếp cận thị trường.
“Các quy định và thực thi rõ ràng đối với cả sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Không nên áp dụng “hai hệ thống” cho thị trường địa phương và thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản là một khía cạnh quan trọng. Vì vậy, cần có sự hợp tác giữa các chương trình chứng nhận tư nhân và các tổ chức phi chính phủ cũng như đối thoại chặt chẽ để đảm bảo với chính phủ và ngành.
Đặc biệt cần đảm bảo tính bền vững, lượng khí thải CO2. Việc sử dụng bột cá, bột đậu nành bền vững ngày càng trở nên quan trọng ở cả Việt Nam và các thị trường xuất khẩu chính”, ông Simon Sanguin nói và cho biết thêm, chi phí nguyên liệu thô khuyến khích các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tìm kiếm các giải pháp thức ăn chăn nuôi bền vững bằng cách sử dụng các thành phần có chứa peptide nhỏ hoặc AA tự do, hương liệu, protein động vật khác, bột côn trùng, protein nấm men và dầu tảo…
“Đây cũng là thời điểm tốt nhất để đưa sản xuất thức ăn chăn nuôi bền vững trở thành xu hướng chủ đạo. Các nhà máy thức ăn chăn nuôi nên “đủ dũng cảm” để coi thức ăn chăn nuôi bền vững là một khoản đầu tư chứ không phải chi phí”, Trưởng nhóm R&D toàn cầu của De Heus khẳng định.
TS Trần Hữu Lộc, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM thì cho rằng, để ngành tôm “lột xác”, cần khuyến khích nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm sạch, không kháng sinh. Triển khai chương trình quản lý rủi ro toàn diện trong nuôi tôm trên toàn chuỗi sản xuất; Chuẩn hóa mô hình canh tác hiệu quả, đạt quy mô kinh tế, xử lý chất thải phù hợp, dễ vận hành, bảo trì và giảm chi phí cố định; Đồng thời chuẩn hóa quy trình giúp giảm căng thẳng, giảm rủi ro bệnh tật ở tôm, mang lại hiệu quả cao hơn, an toàn thực phẩm tốt hơn, lượng khí thải carbon và nước thải thấp hơn. Mặt khác, xây dựng chuỗi cung ứng tốt hơn, bán hàng trực tiếp nhiều hơn, giảm chi phí vốn, minh bạch hơn và khả năng tiếp cận tài chính; Truy xuất nguồn gốc, phúc lợi động vật, lấy người tiêu dùng làm trung tâm, tập trung vào ESG (môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp).