Cùng với con bò thịt, con tôm là loại vật nuôi được tỉnh chọn để ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất trong giai đoạn 2021-2025, đến nay, toàn tỉnh Long An đã thực hiện được trên 45ha tôm ƯDCNC, đạt trên 45% so với kế hoạch đến năm 2025.
Người nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn, sử dụng ao ương nổi để ương tôm
Mang lại hiệu quả cao
Thời gian qua, nhiều mô hình nuôi tôm ƯDCNC trên địa bàn huyện Cần Đước được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận cho người nuôi. Ông Phạm Trung Hiền (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) thực hiện ƯDCNC trên con tôm với quy mô 3 ao lắng, 3 ao nuôi (diện tích mỗi ao khoảng 1.000m2) và sử dụng nước giếng khoan qua hệ thống lắng để nuôi tôm. “Tôm nuôi trong mô hình được cung cấp oxy dồi dào, lớn nhanh, chống dịch bệnh tốt, giảm hiện tượng chết sớm trong 20 ngày đầu. Sau khoảng 90 ngày thả nuôi, tôi thu hoạch tôm, sản lượng đạt trên 2 tấn/ao. So với nuôi truyền thống, mô hình nuôi tôm ƯDCNC mang lại hiệu quả cao hơn” – ông Hiền chia sẻ.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước – Nguyễn Thị Cẩm Vân, thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025, huyện chọn 3 hộ dân tại xã Tân Chánh thực hiện mô hình trình diễn nuôi tôm sinh học 2-3 giai đoạn bằng việc ứng dụng công nghệ vào quản lý môi trường ao nuôi; lắp đặt hệ thống điều khiển quạt, máy cho ăn, hệ thống oxy đáy qua điện thoại thông minh;… Qua 3 tháng thả nuôi, các mô hình cho thu hoạch tôm đạt kích cỡ từ 80-100 con/kg; năng suất ước đạt 8-10 tấn/ha, người nuôi tôm có lợi nhuận khá.
“Năm 2023, diện tích nuôi tôm ƯDCNC trên địa bàn huyện là 34ha, đạt 125,5% kế hoạch, sản lượng đạt 237,3 tấn, đạt 175,7% chỉ tiêu. Tuy nhiên, do giá cả tôm thương phẩm thấp, khó tiêu thụ, vật tư thủy sản tăng cao nên diện tích thả và sản lượng thấp hơn so cùng kỳ năm 2022, nông dân chưa mạnh dạn ƯDCNC vào nuôi tôm” – bà Nguyễn Thị Cẩm Vân thông tin.
Tại huyện Cần Giuộc, những năm gần đây đã có hàng trăm hộ nuôi tôm ứng dụng một phần công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả tích cực. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, hiện toàn huyện có 10 xã nuôi tôm, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 5.000 tấn, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm trên 90% diện tích, còn lại là tôm sú.
Ông Vũ Hồng Hải (ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) đã áp dụng quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn, sử dụng ao ương nổi để ương tôm hơn 2 năm. Diện tích ao ương tôm của ông là 135m2 và ao nuôi là 2.000m2. Ông Hải cho biết: “Sau khoảng 90 ngày kể từ khi thả tôm giống, tôm ƯDCNC có trọng lượng khoảng 35-40 con/kg; sản lượng đạt 4 tấn/2.000m2, cao hơn so với nuôi tôm truyền thống khoảng 3 lần. Ngoài ra, tôm ƯDCNC được cung cấp oxy dồi dào, lớn nhanh, chống bệnh tốt, giảm hiện tượng tôm chết sớm nên giảm được một phần chi phí sản xuất”.
Tiếp tục nhân rộng
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích thả tôm nuôi năm 2023 của tỉnh là 6.150ha, đạt 91% kế hoạch và bằng 99,4% so cùng kỳ; đã thu hoạch 5.500ha với sản lượng 16.263,5 tấn, năng suất bình quân 3 tấn/ha, đạt 83% kế hoạch và bằng 77,4% so cùng kỳ. Năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai, thực hiện các mô hình ƯDCNC trên con tôm ở 4 huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện được trên 45ha tôm ƯDCNC, đạt trên 45% so với kế hoạch đến năm 2025.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Nhằm duy trì diện tích và sản lượng tôm trong năm 2024, ngay từ đầu năm, Sở xây dựng khung lịch thời vụ và tổ chức các đợt quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để thông tin, khuyến cáo kịp thời đến các địa phương. Đồng thời, Sở xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chất lượng nguồn giống thủy sản; tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản để tiến hành đánh giá và phân loại theo quy định;…
Bên cạnh đó, Sở phối hợp các ban, ngành, địa phương tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân; hướng dẫn các quy trình nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng. Sở tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng ao lắng cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh và triển khai các mô hình điểm, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người nuôi tôm ƯDCNC vào sản xuất”.
Khoa thủy sản sưu tầm