Nghiên cứu khả năng xử lý nước thải nuôi ếch Thái Lan (Rana rugulosa) bằng bèo tai tượng (Pistla stratiotes L.)

Ếch Thái Lan (Rana rugulosa) là đối tượng thủy sản tương đối dễ nuôi, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, thịt ngon và nhiều dinh dưỡng nên khi du nhập vào nước ta loài ếch này được nuôi ở nhiều tỉnh Nam Bộ đặc biệt là Đồng Tháp và Tiền Giang. Diện tích nuôi ếch Thái Lan ở tỉnh Đồng Tháp tăng nhanh trong thời gian gần đây, sản lượng ếch đạt trên 2.600 tấn trong 6 tháng đầu năm 2017 (Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, 2017), diện tích thả nuôi ở huyện Tháp Mười khoảng 68ha với 60 triệu con năm 2020 (UBND huyện Tháp Mười, 2020).

Nước thải nuôi ếch thường có hàm lượng chất ô nhiễm cao (Lê Văn Cát & cs., 2006) với tải lượng N-NH4+, N-NO2, N-NO3, TN, P-PO43- và TP lần lượt là 0,3; 0,24; 0,18, 8,9, 2,54, 3,92 kg/tấn ếch thịt (Lê Diễm Kiều & cs., 2022). Hiện nay, ếch chủ yếu được nuôi với quy mô nhỏ lẻ, công tác quản lý nước thải ít được quan tâm và hầu hết thải trực tiếp ra các thủy vực (Lê Diễm Kiều & cs., 2022), gây ô nhiễm môi trường nước.

Nghiên cứu thực vật thủy sinh xử lý nước thải nuôi thủy sản đang được quan tâm và đã ghi nhận nhiều kết quả như xử lý nước thải nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus), lục bình (Eichhornia crassipes) là 88% N hữu cơ và 100% P hữu cơ, cỏ vetiver (Vetiver zizanioides) giúp giảm 85% N hữu cơ và 99% P hữu cơ (Châu Minh Khôi & cs., 2012), cỏ mồm mỡ (Hymenachne acutigluma) với hiệu suất xử lý TSS, COD, N-NH4+, TN, P-PO43- và TP lần lượt là 49,0-63,5, 30,8-48,5, 91,9-96,6, 38,9-40,7, 14,0-20,3 và 11,7-14,9% (Lê Diễm Kiều & cs., 2018). Trong đó, bèo tai tượng là thực vật sống nổi trên mặt nước, phân bố phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có khả năng thích nghi với môi trường ô nhiễm cao (Lê Văn Cát & cs., 2006), sinh trưởng và phát triển nhanh nên có khả năng xử lý COD, TAN, N-NO3, P-PO43-, TN và TP trong nước thải nuôi cá trê vàng (Clarias macrocephalus) với hiệu suất xử lý tương ứng là 34,28; 40,70; 46,70; 24,56; 39,92 và 9,16% (Nguyễn Thị Hồng Nho & cs., 2022). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về nghiên cứu bèo tai tượng xử lý nước thải nuôi ếch Thái Lan nên nghiên cứu khả năng xử lý nước ao nuôi ếch Thái Lan (Rana rugulosa) của bèo tai tượng (Pistia stratiotes L.) là cần thiết.

Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức ĐC (đối chứng, không bèo), 50, 75 và 100 tương ứng với mức độ che phủ của bèo là 0, 50%, 75% và 100% với mật độ 0, 35, 49 và 75 cây/chậu. Mỗi nghiệm thức có ba lần lặp lại và được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên.

Nghiệm thức bèo tai tượng ở tuần thứ 6 

Kết quả nghiên cứu cho thấy bèo tai tượng có khả năng xử lý nước thải của hệ thống nuôi ếch sau 3 ngày lưu nước như giúp ổn định pH, giảm TDS, đạm, lân và COD của nước thải, khả năng xử lý tăng theo mật độ trồng. Bèo tai tượng sinh trưởng chồi và tăng sinh khối tốt trong nước thải nuôi ếch Thái Lan. Tuy nhiên, còn xuất hiện tình trạng bèo bị chết sau 6 tuần thí nghiệm, vì vậy cần thu hoạch tuyển bèo ở giai đoạn này để hạn chế tình trạng tái ô nhiễm và tạo điều kiện phát triển các chồi bên. Bên cạnh đó, sinh khối của bèo tai tượng từ hệ thống xử lý nước thải nuôi ếch có thể sử dụng cho chăn nuôi hoặc sản xuất khí sinh học. Kết quả nghiên cứu cho thấy nên nghiên cứu bổ sung bèo tai tượng vào hệ thống xử lý nước thải nuôi ếch ở qui mô thực tế.

Thông tin chi tiết truy cập tại: https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2023/04/tap-chi-so-4.5.pdf.

Tài liệu tham khảo

Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp (2017). Niên giám thống kê tỉnh Đồng Tháp. Nhà xuất bản Thống kê.

Lê Diễm Kiều, Trần Thị Thùy Trang, Đặng Phương Thủy & Phạm Quốc Nguyên (2022). Nghiên cứu chất lượng và tải lượng đạm và lân của nước thải ao nuôi ếch Thái Lan (Rana tigerina) thương phẩm ở huyện cao lãnh tỉnh đồng tháp. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Môi trường và chăn nuôi. tr. 47-54.

Lê Văn Cát, Đỗ Thị Hồng Nhung & Ngô Ngọc Cát (2006). Nước nuôi thủy sản, chất lượng và biện pháp cải thiện chất lượng. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Nguyễn Thị Hồng Nho, Trương Quốc Phú & Phạm Thanh Liên (2022). Khả năng xử lý nước của bèo tai tượng (Pistla stratiotes) trong hệ thống tuần hoàn nuôi cá trê vàng. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp. 6(1): 2769-2778.

UBND huyện Tháp Mười (2020). Tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 20/2016 / NQ-HĐND ngày 10/8/2016 của HĐND huyện, nhiệm kỳ
2016-2021.