Chiều thứ 4 ngày 25/12/2024, Nhóm NCM Bệnh Thủy sản – Khoa Thủy sản tổ chức buổi seminar khoa học. Buổi seminar do PGS.TS. Trương Đình Hoài là chủ tọa với sự tham gia của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong Khoa Thủy sản. Nội dung chính của buổi chia sẻ bao gồm:
1. PGS.TS. Kim Văn Vạn chia sẻ nội dung: Thử nghiệm điều trị bệnh đốm trắng do Cryptocaryon irritans gây ra trên cá cảnh biển.
2. ThS. Vũ Đức Mạnh báo cáo nghiên cứu: Thử nghiệm biện pháp phòng bệnh đốm trắng nội tạng do ký sinh trùng gây ra trên cá Nheo Mỹ.
3. TS. Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày về nội dung: Khả năng sản xuất giống & nuôi lươn đồng tại miền Bắc Việt Nam.
Mở đầu buổi seminar, PGS.TS. Kim Văn Vạn đã có những chia sẻ khái quát về bệnh đốm trắng do trùng quả dưa nước mặn Cryptocaryon irritans gây ra trên một số loài cá cảnh biển. Khác với loài trùng quả dưa nước ngọt, C. irritans ký sinh trên rất nhiều loài cá khác nhau và có khả năng chịu đựng được nhiều loại hóa chất. Nghiên cứu tiến hành thử nghiệm một số loại hóa chất để kiểm soát C. irritans ở giai đoạn sống tự do theront, từ đó ngăn chặn ký sinh trùng hoàn thành vòng đời. Trong đó, Ivermectin với liều điều trị 0,3mg/kg trọng lượng cho hiệu quả điều trị cao, tuy nhiên một số loài cá có biểu hiện mẫn cảm với loại thuốc này. Trong khi đó, sulfat đồng với liều 1ppm trong 5 phút cho thấy hiệu quả điều trị cao nhưng hiện tượng tái nhiễm xuất hiện rất nhanh sau đó.
Tiếp đến, ThS. Vũ Đức Mạnh báo cáo nội dung phòng bệnh đốm trắng nội tạng do ký sinh trùng gây ra trên cá Nheo mỹ. Đây là một loại bệnh thường gặp trên cá lồng, tác nhân gây bệnh được xác định là ấu trùng metacercaria của sán Dollfustrema bagarii. Bệnh đã và đang gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi cá Nheo mỹ trong lồng tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc. Nghiên cứu tiến hành thử nghiệm các biện pháp: thả ghép cá trắm đen, bẫy vật chủ trung gian, treo viên TCCA và định kỳ làm sạch lồng, bên cạnh đó, chúng tôi bố trí một lô đối chứng gồm 3 giai tương tự các lô thí nghiệm. Kết quả thu được cho thấy lô thả ghép cá trắm đen và bẫy vật chủ trung gian cho hiệu quả cao trong phòng bệnh thể hiện ở thời gian xuất hiện bệnh muộn hơn, cường độ nhiễm và tỉ lệ nhiễm thấp hơn so với lô đối chứng. Bên cạnh đó, 2 biện pháp trên cũng không sử dụng hóa chất và thân thiện với môi trường. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để người nuôi cá lồng tham khảo, ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.
Nội dung thứ 3 do TS. Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày liên quan đến nuôi lươn, loài thủy đặc sản được người nuôi đặc biệt quan tâm với giá trị kinh tế cao. Bài trình bày mở đầu với tình hình nuôi và sản xuất giống lươn tại Việt Nam, hiện tại loài thủy đặc sản này được nuôi nhiều ở các tỉnh phía Nam, tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long. Ở khu vực phía Bắc, thị trường rất ưu chuộng mặt hàng này nhưng chưa có nhiều thống kê về sản lượng và giá trị. Đây là mặt hàng tiềm năng, sản xuất số lượng lớn ở khu vực phía Bắc sẽ có lợi thế tiêu thụ nội địa và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, để thúc đẩy nuôi lươn tại các tỉnh phía Bắc thì cần khắc phục tính chất mùa vụ và cải thiện khả năng sản xuất giống. Bài chia sẻ cũng đưa ra một số gợi ý về kỹ thuật, từ đó hướng tới thúc đẩy phát triển sản xuất một đối tượng thủy đặc sản mới, giá trị kinh tế cao và tạo ra thu nhập cho người nông dân khu vực phía Bắc Việt Nam.
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi trong hơn 1 giờ liên quan đến các nội dung trình bày dưới sự chủ trì của PGS.TS. Trương Đình Hoài. Buổi chia sẻ kết thúc vào 16h cùng ngày.
Một số hình ảnh hoạt động
Nhóm NCM Bệnh Thủy sản