Seminar nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản

Ngày 17/12/2024  nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản tổ chức buổi seminar chuyên môn với hai bài trình bày của (1) TS. Trịnh Đình Khuyến, (2) PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu và (3) ThS. Lê Thị Hoàng Hằng.

Nghiên cứu của TS. Trịnh Đình Khuyến với tiêu đề: Nghiên cứu xác định mật độ lồng nuôi và chế độ chăm sóc lên hiệu quả nuôi tu hài (Lutraria rhynchaena) tại Cát Bà – Hải Phòng. Nghiên cứu nhằm xác định mật độ lồng nuôi và chế độ chăm sóc phù hợp, góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và rút ngắn thời gian nuôi tu hài thương phẩm. Qua thời gian thí nghiệm từ tháng 2 – 11/2022 tại khu vực phía Tây Vạn Bội – Cát Bà, Cát Hải, Hải Phòng, với 3 nghiệm thức về mật độ 4 lồng, 8 lồng và 12 lồng/4m2 và kết hợp với 3 chế độ chăm sóc tu hài trong quá trình nuôi thương phẩm (2, 3 và 5 lần chăm sóc/ chu kỳ nuôi) với 9 nghiệm thức và 3 lần lặp, kết quả nổi bật cho thấy tu hài nuôi thương phẩm ở kích cỡ giống lớn 4-5cm; chất đáy là 70% vỏ nhuyễn thể và 30% cát; mật độ thả 40con/lồng nuôi và mật độ 4 và 8 lồng/4m2 với chế độ chăm sóc 3 và 5 lần /chu kỳ cho kết quả sinh trưởng nhanh và tỷ lệ sống cao, đạt tỷ lệ sống trên 84% (không có sai khác thống kê giữa 2 lô này P>0,05), tuy nhiên có sai khác thống kê với lô thả mật độ 12 lồng/4m2 với 3 chế độ chăm sóc khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy để đạt hiệu quả cao giúp tăng năng suất/bè nuôi và giảm chi phí sản xuất và nhân công cũng như thời gian chăm sóc/vệ sinh. Nên chọn mật độ 8 lồng/4m2 và 3 chế độ chăm sóc/chu kỳ nuôi.Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã đề xuất được các biện pháp phòng trị bệnh đối với tu hài nuôi lồng giúp kiểm soát tốt nguồn tu hài giống trước khi thả nuôi và các giải pháp về kỹ thuật nuôi, kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio spp trong nguồn nước và chất đáy nuôi góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Một bài trình bày khác của PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu với tiêu đề: “Thử nghiệm chế phẩm vi sinh sản xuất trong nước bổ sung vào thức ăn và môi trường đến tăng trưởng tôm thẻ chân trắng. Chế phẩm sinh học được bổ sung gồm các chủng BacillusLactobacillus (50/50) với mật độ vi khuẩn 10^8 CFU/ml. Kết quả cho thấy việc bổ sung chế phẩm vi sinh BacillusLactobacilus (50/50) trong nước cải thiện được tỉ lệ sống, tốc độ tăng trưởng nhưng không cải thiện được hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm. Việc bổ sung chế phẩm vi sinh BacillusLactobacilus (50/50) vào trong nước và thức ăn cải thiện được tỉ lệ sống, tốc độ tăng trưởng và cải thiện được hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm.

Nhóm nghiên cứu của ThS. Lê Thị Hoàng Hằng với bài trình bày: “Kỹ thuật ương nuôi ấu trùng tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) tại công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh”. Nghiên cứu cho thấy kỹ thuật ương nuôi gồm có các bước: vệ sinh trại,  xử lý nước cấp, thuần và ương dưỡng nauplius, chuẩn bị thức ăn cho tôm, quản lý và điều chỉnh thức ăn, thay nước và quản lý môi trường, theo dõi sức khỏe và chất lượng tôm ấu trùng. Trong quá trình ương nuôi tôm giống tôm thẻ chân trắng, công tác phòng bệnh luôn được đặc biệt chú trọng. Khử trùng nghiêm ngặt nguồn nước đầu vào để đảm bảo nguồn nước không mang mầm bệnh, thay nước hằng ngày trong suốt quá trình ương nuôi. Đồng thời tránh các hoạt động làm tôm bị sốc, stress trong quá trình ương nuôi. Để việc ương nuôi ấu trùng tôm thẻ đạt hiệu quả cao (40% tỷ lệ sống) ngoài tuân thủ các bước trong kỹ thuật ương nuôi  cần thường xuyên sử dụng men vi sinh, khoáng DT1000, Top35,Shrim, Vitamin C để hạn chế ấu trùng dính chân bơi, nấm, protozoae, bệnh đường ruột, ra vào nhà ương cần phải tuân thủ an toàn sinh học. Buổi seminar có sự tham dự của các thành viên trong nhóm NCM, học viên cao học và các em sinh viên thuộc khoa Thủy sản.

                                                       Dưới đây là một số hình ảnh: