Vào hồi 9 giờ sáng thứ 5 ngày 05/12/2024, Nhóm NCM Bệnh Thủy sản – Khoa Thủy sản tổ chức buổi seminar khoa học do PGS.TS. Trương Đình Hoài là chủ tọa. Buổi chia sẻ học thuật có sự tham gia của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong Khoa Thủy sản. Nội dung chính của buổi chia sẻ bao gồm:
1. ThS. Phạm Thị Lam Hồng chia sẻ nội dung: Phân lập và lựa chọn môi trường dinh dưỡng nuôi sinh khối vi tảo silic nước ngọt làm thức ăn cho động vật thủy sản.
2. ThS. Kim Minh Anh báo cáo nghiên cứu: Vi khuẩn kháng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Việt Nam.
3. ThS. Trần Thị Trinh báo cáo nội dung: Đánh giá khả năng xử lý môi trường và kháng khuẩn của các chủng vi sinh có lợi phân lập từ ao nuôi thủy sản.
ThS. Phạm Thị Lam Hồng mở đầu nội dung trình bày với những chia sẻ khái quát về tảo silic trong nuôi trồng thủy sản. Tảo silic đóng là thức ăn cho nhiều loài động vật thủy sản, đặc biệt quan trọng đối với các loài nhuyễn thể, giáp xác và copepode. Thành phần dinh dưỡng của tảo silic giàu lipid và sắc tố fucoxanthin. Hiện nay, tảo silic nước mặn đã được nghiên cứu nhiều, tuy nhiên các nghiên cứu về tảo silic nước ngọt còn hạn chế. Trong nghiên cứu này, một loài tảo silic nước ngọt đã được phân lập từ ao nuôi cá nước ngọt tại Khoa Thủy sản. Loài tảo silic phân lập được có chiều dài 28-29um, rộng 3-4um, Keel 15-20/10um khá tương đồng với loài Nitzschia fruticosa (Hustedt 1957), có tên khác là Nitzschia actinastroides var.ligeriensis H. Gemain 1977. Thử nghiệm môi trường dinh dưỡng nuôi sinh khối Nitzschia fruticosa cho thấy tảo phát triển tốt nhất trong môi trường Walne đạt mật độ cực đại là 5.87±1.957 x 106 tb/1ml . Đối với môi trường F2 và BBM tảo đạt mật độ cực đại lần lượt là 2.55±0.850 x 106 tb/1ml và 1.16 ± 0.387 x 106 tb/1ml. Thử nghiệm bổ sung muối silic (Na2SiO3) cho thấy tảo đạt mật độ cao nhất là 22.14±7.380×106 tb/ml ở mức 80mg Na2SiO3/l và 12.99±4.330 x106 tb/ml ở mức 120mg Na2SiO3/l. Khi tăng hàm lượng Na2SiO3 ở mức 160mg/l và 200mg/l, tảo giảm phát triển đạt mật độ cực đại lần lượt là 4.92±1.358 x106 và 2.615±0.8717 x106 tb/ml. Kết quả nghiên cứu cho thấy Nitzschia fruticosa là loài tảo silic nước ngọt tiềm năng để nuôi sinh khối làm thức ăn cho động vật thủy sản và sản xuất fucoxathin.
Tiếp đến, ThS. Kim Minh Anh báo cáo nội dung liên quan đến kháng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu thế giới trong sản xuất cá tra (Pangasianodon hypophthalmus). Tuy nhiên, sự gia tang về quy mô, mật độ nuôi là nguy cơ dẫn tới các đợt bùng phát dịch bệnh lan rộng từ một số vi khuẩn gây bệnh, bao gồm Aeromonas sp. và Edwardsiella ictaluri, vốn đang trở nên kháng với nhiều loại kháng sinh. Nghiên cứu được thực hiện tại Viện Nuôi trồng thủy sản, Đại học Stirling với mục tiêu nhằm xác định các yếu tố phân tử gây ra kháng kháng sinh trong một quần thể vi khuẩn, được thu mẫu và phân lập từ cá tra nhiễm bệnh tự nhiên tại Việt Nam. Tổng số 50 chủng vi khuẩn (25 chủng Aeromonas sp. Và 25 chủng Edwardsiella ictaluri) được thu thập từ các đợt bùng phát bệnh riêng lẻ tại 6 tỉnh (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang và Vĩnh Long) từ 2017 đến 2018. Phương pháp One-step PCR được sử dụng nhằm phát hiện và phân tích các gene kháng kháng sinh (ARGs), mã hóa khả năng kháng với các loại kháng sinh thuộc nhóm beta-lactam, phenicol, quinolone, sulfonamides và tetracycline. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy sự kháng kháng sinh đáng kể trong các mẫu vi khuẩn, đặc biệt trên các chủng E. ictaluri. Đồng thời, khả năng kháng của E. ictaluri được dự đoán do có sự hiện diện của các gene ARG như blaCTX, blaTEM và dfra12, trong khi Aeromonas spp. có các kiểu phân bố gen ARG đa dạng. Không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong phân bố gen ARG giữa các chủng vi khuẩn theo vị trí địa lý. Tỷ lệ các gen ARG được phát hiện trên E. ictaluri đạt 73,3%, cao hơn so với các chủng Aeromonas di động (53,3%). Kết quả từ nghiên cứu này có thể làm cơ sở góp phần hỗ trợ các nghiên cứu tiếp theo về kiểm soát, ứng dụng điều trị bệnh hoặc cải thiện an toàn sinh học trong nuôi cá tra nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung.
ThS. Trần Thị Trinh trình bày về vi sinh xử lý môi trường phân lập từ chính ao nuôi thủy sản. Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập, sàng lọc các chủng vi khuẩn có lợi, có khả năng xử lý môi trường và khả năng kháng vi khuẩn F. columnare gây bênh trên một số loài cá nước ngọt. Tổng số 11 chủng vi khuẩn Bacillus sp. và 08 chủng Lactobacillus sp. đã được phân lập từ 15 mẫu bùn thu ở các vùng nuôi thủy sản để phục vụ nghiên cứu. Kết quả đánh giá khả năng phân giải protein, cellulose và tinh bột trên 11 chủng vi khuẩn Bacillus sp. cho thấy có 03/11 chủng không có hoặc có hoạt lực phân giải ở mức thấp chỉ từ 0-15,1%, 05/11 chủng có hoạt lực phân giải trung bình từ 33,2-49,19%, đặc biệt, có 03/11 chủng có đường kính phân giải lớn hơn 20mm và hoạt lực phân giải trung bình lớn hơn 55,89%. Kết quả đánh giá khả năng phân giải CaCO3 trên 08 chủng Lactobacillus sp. cho thấy có 2/8 chủng không có hoạt lực phân giải, 6/8 chủng có hoạt lực phân giải trên 50,0%, trong đó, có 1 chủng có khả năng phân cao nhất với đường kính vòng phân giải đạt 14mm và hoạt lực phân giải đạt 85,71%. Định danh 04 chủng vi khuẩn có lợi có hoạt lực phân giải cao bằng phương pháp giải trình tự gen 16S rDNA cho kết quả gồm 02 chủng B. subtilis, 01 chủng B. amyloliquefaciens và 01 chủng L. plantarum. Kết quả thử nghiệm khả năng đối kháng của 04 chủng vi khuẩn có lợi đã được định danh với 6 chủng vi khuẩn F. columnare gây bệnh trên cá nước ngọt cho thấy 02 chủng B. subtilis có đường kính vòng vô khuẩn giao động từ 9,33±1,21 đến 12,0±1,26mm, chủng B. amyloliquefaciens có đường kính vòng vô khuẩn tốt hơn giao động từ 13,0±1,27mm đến 16,6±1,02mm. Đặc biệt, chủng L. plantarum có đường kính vòng vô khuẩn rất lớn giao động từ 24,5±0,55mm đến 28,6±2,20mm tương đương có ý nghĩa thông kê (α =0,05) với đường kính vòng vô khuẩn do kháng sinh OT30 tạo ra. Vì vậy, kết quả của nghiên cứu này cũng được xem bước đầu cung cấp nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất chế phẩm bổ sung vào thức ăn hoặc xử lý môi trường nước nhằm hạn chế dịch bệnh do vi khuẩn F. columnare gây ra trên cá nước ngọt
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi trong hơn 1 giờ liên quan đến các nội dung trình bày dưới sự chủ trì của PGS.TS. Trương Đình Hoài. Buổi chia sẻ kết thúc vào 12h cùng ngày.
Một số hình ảnh hoạt động
Nhóm NCM Bệnh Thủy sản